Gắn du lịch tâm linh với tín ngưỡng thờ Mẫu
Hoạt động du lịch tâm linh gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu
Tín ngưỡng thờ Mẫu vốn được coi là tín ngưỡng dân gian bản địa quan trọng nhất của người Việt, nên có sức sống bền bỉ, mãnh liệt trong tâm thức người dân.
Tháng 3/2015, Việt Nam đã gửi hồ sơ “Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt” tới tổ chức UNESCO đề nghị xem xét công nhận danh hiệu Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho di sản này. Sự thay đổi nhận thức của Nhà nước, chính quyền đối với tín ngưỡng thờ Mẫu giúp cho hoạt động hành hương, thờ phụng của người dân được thừa nhận trên cơ sở pháp lý. Đây là điều kiện quan trọng để tín ngưỡng thờ Mẫu cũng như hệ thống các giá trị vật thể và phi vật thể gắn với nó có cơ hội phát triển thành những sản phẩm du lịch tâm linh hấp dẫn du khách.
Hiện nay, số lượng khách du lịch đến với những địa danh, trung tâm tín ngưỡng thờ Mẫu ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ khá lớn. Những địa danh thờ Mẫu nổi tiếng thu hút đông đảo du khách đến tham quan, hành hương là: phủ Tây Hồ (Hà Nội), đền Cửa Ông (Quảng Ninh), đền Công Đồng Bắc Lệ (Lạng Sơn), đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh)… Nhìn chung, ở nước ta số lượng khách hành hương, du lịch tâm linh gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu chỉ đứng thứ hai so với khách hành hương đi du lịch gắn với Phật giáo và đối tượng du khách này ngày càng có xu hướng tăng lên.
Một đặc điểm của du lịch tâm linh gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu là các lễ hội thường diễn ra rải rác quanh năm nhưng tập trung nhiều nhất vào mùa thu và mùa xuân. Đây cũng là ưu điểm vì các hãng du lịch có thể khai thác quanh năm các điểm du lịch trong hệ thống các địa danh đền thờ Mẫu.
Đối với các hãng lữ hành, du lịch tâm linh nói chung và du lịch tâm linh gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng là sản phẩm đầy tiềm năng. Giám đốc Công ty Du lịch Cầu Vồng Vũ Hoàng Ân cho biết: Mấy năm trở lại đây, nhận thấy ngày càng nhiều khách hàng có nhu cầu tổ chức những tour đi lễ hội, tham quan những địa danh tâm linh nổi tiếng nên công ty đã xây dựng những tuyến, điểm du lịch tâm linh để khai thác… Trước đây, người dân thường tự tổ chức đi đến những điểm du lịch tâm linh nhưng hiện nay do gặp nhiều phiền phức như chèo kéo, “chặt chém” nên họ tìm đến các công ty du lịch chuyên nghiệp để chuyến đi được an toàn.
Tuy nhiên, hiện nay cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu ăn ở, lưu trú, giải trí dành cho du khách ở các điểm du lịch có gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu vẫn chưa có sự đầu tư đồng bộ, chuyên nghiệp. Ngoài trung tâm tín ngưỡng thờ Mẫu lớn ở Phủ Dầy (Nam Định) có khu vực lưu trú dành cho khách thập phương đến hầu thánh (nhưng cũng thường xuyên rơi vào trạng thái quá tải trong những dịp chính hội), các điểm du lịch tâm linh gắn với thờ Mẫu còn lại thường không có chỗ lưu trú cho khách. Bên cạnh đó, hoạt động du lịch đã có tác động không nhỏ lên cảnh quan vốn có của các điểm du lịch tín ngưỡng thờ Mẫu. Lượng rác thải do hoạt động tham quan du lịch đem lại thường nằm ngoài khả năng xử lý của chính quyền địa phương và các ban quản lý di tích. Điều này ảnh hưởng rất xấu đến cảnh quan chung của khu dân cư sinh sống quanh điểm du lịch và làm xấu hình ảnh những địa điểm văn hóa vốn được người dân, khách du lịch xem là nơi thanh tịnh. Việc không gian của điểm du lịch tâm linh bị xâm hại nhường chỗ cho hàng quán, điểm dịch vụ du lịch dẫn đến sự thu hẹp không gian bảo tồn và tính nguyên trạng của điểm, gây khó khăn cho công tác bảo tồn. Các tệ nạn xã hội vẫn xuất hiện tại các điểm du lịch gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động du lịch.
Hoạt động diễn xướng trong khi hát chầu văn của người hầu đồng là một nghi lễ rất đặc sắc của tín ngưỡng thờ Mẫu, mới đây Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã trao danh hiệu nghệ nhân dân gian cho 11 người thực hành hành diễn xướng và truyền dạy nghi lễ chầu văn, như vậy có thể thấy rằng nghệ thuật hát văn rất có giá trị nghệ thuật. Tuy nhiên, trên thực tế cung văn – người hát văn và ban nhạc chỉ là một thành phần trong khi thực hành nghi lễ diễn xướng hầu đồng, các ông đồng bà cốt mới là người đóng vai chính trong các giá đồng trên nền nhạc đàn ca của cung văn. Trong việc thực hành nghi lễ diễn xướng hầu đồng có nhiều vấn đề xung quanh còn gây tranh cãi như: tình trạng biến tướng của việc rải tiền, thưởng tiền, việc đốt quá nhiều vàng mã…, gây lãng phí tiền của xã hội, đồng thời làm mất đi ít nhiều ý nghĩa linh thiêng, thanh sạch của hoạt động tâm linh là tôn kính, ca ngợi các thánh mẫu…
Khai thác hiệu quả du lịch tâm linh gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu
Để phát triển bền vững và khai thác hiệu quả loại hình du lịch tâm linh gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu, thiết nghĩ ngành Văn hóa – Du lịch, chính quyền địa phương và Ban quản lý điểm du lịch thờ Mẫu cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức và quản lý hoạt động của điểm tâm linh thờ Mẫu. Ngành Văn hóa – Du lịch thực hiện chức năng chuyên môn trên cơ sở đánh giá văn hóa và giá trị di tích từ đó giới thiệu cho các công ty du lịch tổ chức xây dựng sản phẩm du lịch; tập trung nghiên cứu những giá trị truyền thống (kiến trúc, vật liệu xây dựng, không gian văn hóa truyền thống) để đưa ra những định hướng cho việc trùng tu, tôn tạo. Chính quyền địa phương thực hiện những biện pháp quản lý di tích hiệu quả, đầu tư cơ sở hạ tầng cơ bản và làm việc trực tiếp với người dân địa phương trong quá trình phát triển du lịch. Người dân địa phương cần nắm bắt chính sách của chính quyền, những nguyên tắc bảo tồn di tích và tham gia phục vụ hoạt động du lịch có trách nhiệm…
Xây dựng hạ tầng và các dịch vụ cơ bản
Chính quyền địa phương và các ngành hữu quan cần xây dựng quy hoạch tổng thể và có chính sách đầu tư cho hệ thống giao thông vận tải, đường nội bộ, dịch vụ bưu chính viễn thông, dịch vụ y tế và các công trình vệ sinh công cộng tại các điểm du lịch tín ngưỡng thờ Mẫu.
Tiếp thị, quảng bá sản phẩm du lịch gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu
Công tác quảng bá cho các điểm du lịch tín ngưỡng thờ Mẫu chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu thực tiễn trong mục tiêu đưa các điểm này trở thành điểm du lịch đúng nghĩa. Nếu so sánh với các điểm du lịch tôn giáo – tín ngưỡng mới được hình thành trong thời gian gần đây như chùa Bái Đính, các điểm du lịch gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu có quy mô nhỏ hơn về không gian kiến trúc và hoạt động tuyên truyền quảng bá chưa được thực hiện hiệu quả. Nếu đẩy mạnh công tác quảng bá tiếp thị tốt hơn so với hiện nay, các điểm du lịch gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu hoàn toàn có khả năng thu hút nhiều du khách hơn, không chỉ là du khách nội địa mà cả những du khách nước ngoài muốn tìm hiểu nét đặc sắc của tín ngưỡng dân gian bản địa.
Nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương
Cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương trong việc bảo tồn, tôn tạo các di tích và di sản văn hóa, trong việc phục vụ khách du lịch và tổ chức hoạt động du lịch nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm du lịch. Nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân địa phương trong hoạt động du lịch, giúp họ nhận biết được những lợi ích thiết thực họ nhận được từ nguồn khách du lịch. Chính quyền địa phương cần xây dựng những nội quy, quy chế nhằm quy định trách nhiệm, nghĩa vụ đối với các công ty du lịch khi họ đưa khách về điểm du lịch như việc chia sẻ lợi ích với các tổ chức, công ty và cá nhân tại điểm.
Xây dựng sản phẩm du lịch có tính đặc thù
Tín ngưỡng thờ Mẫu có một hoạt động diễn xướng độc đáo đó là hầu đồng, trong khi thực hành nghi lễ này thì có hát chầu văn – một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo của người Việt. Các điểm du lịch gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu hoàn toàn có thể khuếch trương sản phẩm độc đáo này của mình, bằng cách vào dịp chính lễ, tổ chức những cuộc thi thường niên có quy mô lớn, tổ chức bình chọn, trao thưởng cho những cung văn, những người hầu đồng đẹp để tôn vinh những nét đẹp văn hóa của nghệ thuật dân gian dân tộc, qua đó thu hút khách du lịch đến tham gia lễ hội.
Mỗi điểm du lịch tâm linh gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu ở mỗi địa phương lại có những nét đặc trưng, vì vậy cần phát huy nét riêng hấp dẫn của mình để thu hút du khách.
Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị tâm linh, văn hóa của tín ngưỡng thờ Mẫu, cần phê phán, xử lý những biểu hiện tiêu cực, những hành vi mê tín dị đoan trong hoạt động thực hành nghi lễ ở các điểm du lịch tâm linh thờ Mẫu hiện nay.
Tài liệu tham khảo
1. Ngô Đức Thịnh, Đạo Mẫu Việt Nam, NXB Thế Giới – 2012.
|
ThS. Nguyễn Anh Tuấn
Độc đáo tín ngưỡng thờ Mẫu ở Huế
TTH.VN – Thờ Mẫu, một nét văn hóa dân gian độc đáo, vừa được Bảo tàng Văn hóa Huế giới thiệu tại không gian trưng bày chuyên đề “Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Huế” khai mạc ngày 2/8.
Không gian trưng bày thu hút sự quan tâm của những người làm công tác văn hóa, các nhà nghiên cứu
Độc đáo
Lần đầu tiên được tổ chức, không gian trưng bày giới thiệu đến người xem những nét khái quát về tín ngưỡng thờ Mẫu ở Huế dưới góc nhìn văn hóa thông qua một số tư liệu, hình ảnh, hiện vật, trang phục, nhạc cụ. Các loại hình diễn xướng trong nghi lễ như nghề hát văn, hầu đồng độc đáo cũng được thể hiện dưới góc nhìn văn hóa.
Bà Nguyễn Hồng Hoa Tranh, Giám đốc Bảo tàng Văn hóa Huế, giới thiệu: “Bảo tàng Văn hóa Huế tổ chức trưng bày chuyên đề này nhằm giới thiệu những nét khái quát về tín ngưỡng thờ Mẫu ở Huế; tiếng nói, trải nghiệm của những người theo tín ngưỡng thờ Mẫu… giúp người xem có cái nhìn toàn diện về loại hình tín ngưỡng dân gian khá độc đáo, hiểu rõ hơn nét đẹp, giá trị truyền thống trong đời sống tâm linh của người dân Cố đô. Đồng thời, góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng thờ Mẫu trong cuộc sống đời thường”.
Theo tư liệu từ Bảo tàng Văn hóa Huế, tín ngưỡng thờ mẫu ở Huế suy tôn Thánh mẫu Thiên Y Ana. Khác với một số nơi ở miền Bắc là thờ Tam phủ, tín ngưỡng thờ Mẫu ở Huế thờ Tứ Phủ với quan niệm Thánh thần ở bốn cõi: Thượng thiên (cõi trời cao) ứng với màu đỏ, Trung thiên (cõi trung gian giữa cõi trời và cõi thế gian) ứng với màu vàng, Thượng ngàn (cõi núi rừng) ứng với màu xanh, Thủy phủ (cõi sông nước) ứng với màu trắng. Vì thế, không gian mỗi phòng trưng bày được Bảo tàng Văn hóa Huế thiết kế màu sắc tương ứng với bốn phủ trong tín ngưỡng thờ Mẫu.
Những người trẻ cũng quan tâm đến tín ngưỡng văn hóa độc đáo này
Ở Huế, Mẫu được thờ trong các điện, đền, am… Bên cạnh thờ Thánh mẫu Thiên Y Ana, một số ít đền tư gia vẫn thờ Vân Hương thánh mẫu do các quan thời Nguyễn từ ngoài Bắc khi vào Huế nhận chức đã đem theo tín ngưỡng thờ Mẫu của họ vào và duy trì cho đến ngày nay như đền Phổ Hóa, Vân Phụng, Diệu Vân, Phổ Tế… Nghi lễ thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu ở Huế được thực hiện ở am tư gia, điện, đền nhưng địa điểm chính vẫn là Điện Huệ Nam và cơ sở 252 Chi Lăng. Hàng năm, tại đây, diễn ra nhiều hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu độc đáo, đặc biệt là lễ cung nghinh Thánh Mẫu từ cơ sở 252 Chi Lăng lên điện Huệ Nam vào tháng ba và tháng bảy Âm lịch với nghi thức trang trọng, tôn nghiêm và đã trở thành lễ hội văn hóa.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Hoàng, không gian trưng bày tín ngưỡng thờ Mẫu giới thiệu khá trọn vẹn lịch sử, nét đặc sắc của tín ngưỡng thờ Mẫu tồn tại xuyên suốt trong lịch sử của dân tộc. Ở Thừa Thiên Huế, tín ngưỡng thờ Mẫu là sự kết hợp giữa hai nền văn hóa Việt và Chăm nên có những nét đặc sắc riêng, tạo nên nhiều giá trị văn hóa, như những đền thờ, điệu múa, điệu hát, nghề truyền thống…
Thực hành tín ngưỡng: Coi trọng chữ tâm
Ngoài nghi thức thờ phụng các thần, tín ngưỡng này còn có hiện tượng thông linh qua nghi thức hầu đồng khá độc đáo, nhằm gửi gắm những nguyện vọng, ước muốn của con người với thần linh. Năm 2016, “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại.
Hầu giá “Quan lớn đệ ngũ”
Hàng năm, vào tháng ba và tháng bảy Âm lịch, hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu được tổ chức long trọng tại điện Hòn Chén và đã trở thành một lễ hội văn hóa đặc sắc của Thừa Thiên Huế. Không chỉ là một tín ngưỡng dân gian, hầu đồng thực sự là một loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo, được kết hợp từ nhiều yếu tố, như âm nhạc, cách trình diễn, lời ca và trang phục. Những người đứng giá hầu đồng gọi chung là thanh đồng, tái hiện lại hình tượng của các vị thánh hạ trần và gần gũi cuộc sống của con người. Ngự áo thánh là việc không hề đơn giản, phải luôn có đức tin, thành tâm, đảm bảo về sức khỏe và tinh túy về thân thể.
Không gian trưng bày còn giới thiệu các bộ trang phục hầu đồng với các giá hầu quan trọng, như: Ngũ vị thánh bà & lục vị tôn thần cùng các trang sức và đạo cụ diễn xướng. Có tổng cộng 36 giá đồng vì theo quan niệm của người xưa có 36 vị Thánh thường che chở, bảo vệ cho người dân. 36 giá đồng thì có 36 bộ trang phục khác nhau được sử dụng theo quy định nghiêm ngặt cho từng giá. Khi cuộc sống phát triển đi lên, một thanh đồng muốn hầu vai vị thánh nào đòi hỏi phải có trang phục, đạo cụ, trang sức đầy đủ cho mỗi giá hầu.
Sự duy trì và phát triển của tín ngưỡng hầu đồng cũng tạo điều kiện cho sự bảo tồn và ra đời của một số nghề liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu ở Huế: Nghề hát Chầu Văn, nghề làm trang phục hầu đồng, nghề làm tranh làng Sình và nghề làm đồ mã. Nguyễn Nhật Hưng, thế hệ thứ 3 của cơ sở sản xuất trang phục hầu đồng Liên Sơn (đường Nguyễn Du, TP. Huế) cho biết: “Nghề làm trang phục hầu đồng đòi hỏi tính tỉ mỉ cao. Muốn làm được trang phục đúng với mỗi giá hầu, tôi phải tìm hiểu rõ về các giá hầu trong tín ngưỡng thờ Mẫu mới vẽ ra những hoa văn phù hợp cho mỗi bộ trang phục”.
Ông Nguyễn Phước Đoan (đường Lịch Đợi, TP. Huế) chia sẻ: “Nhà tôi theo Mẫu nhiều đời, đã gần 50 năm nay. Trong tín ngưỡng thờ Mẫu coi trọng nhất là chữ tâm. Tâm trong sáng để công đức hành thiện, sống tốt đời đẹp đạo. Một con sâu làm rầu nồi canh, hiện tượng tiêu cực, buôn thần bán thánh trong tín ngưỡng thờ Mẫu vẫn tồn tại. Đó là những người theo Mẫu nhưng chưa hiểu về Mẫu, lợi dụng để đạt quyền lợi riêng cho mình”.
Bài, ảnh: Minh Hiền
Phật giáo với Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam
Tín ngưỡng thờ Mẫu là một trong những hiện tượng văn hóa tâm linh lâu đời và độc đáo của người Việt. Bài tham luận tại Hội thảo “Phật giáo với Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam” của nhà nghiên cứu Trí Bửu cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa Phật giáo và đạo Mẫu tại Việt Nam diễn ra như thế nào.
A.- Lời mở đầu:
Tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam là việc tôn thờ nữ thần, thờ mẫu thần, thờ mẫu tam phủ, tứ phủ xuất hiện khá phổ biến, có nguồn gốc lịch sử và xã hội sâu xa. Tuy tất cả đều là sự tôn sùng thần linh nữ tính, nhưng giữa thờ nữ thần, mẫu thần, mẫu tam phủ, tứ phủ không hoàn toàn đồng nhất. Tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam là một tín ngưỡng bản địa cùng với những ảnh hưởng ngoại lai từ đạo giáo, tín ngưỡng lấy việc tôn thờ Mẫu (Mẹ) làm thần tượng với các quyền năng sinh sôi, bảo trữ và che chở cho con người. Tín ngưỡng mà ở đó đã được giới tính hoá mang khuôn hình của người Mẹ, là nơi mà ở đó người phụ nữ Việt Nam đã gửi gắm những ước vọng giải thoát của mình khỏi những thành kiến, ràng buộc của xã hội Nho giáo phong kiến.
Ngày 1/12/2016, tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO diễn ra tại thành phố Addis Ababa, Cộng hòa dân chủ Liên bang Ethiopia, di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tại 21 tỉnh thành của Việt Nam (các tỉnh từ Thừa Thiên Huế trở ra và thành phố Hồ Chí Minh) đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Lễ đón bằng UNESCO ghi danh “Cử hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã diễn ra vào ngày 2/4/2017.
Những tài liệu văn bản ghi chép về các Thánh Mẫu thường xuất phát từ thần thoại, huyền thoại, truyện kể dân gian và đồng thời cũng có hiện tượng ngược lại là huyền thoại hóa, dân gian hóa các văn bản thần thần tích, thần phả. Các truyện kể dân gian về ba vị thánh mẫu: Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải lưu truyền trong dân gian khá phong phú, sau này một số được ghi chép lại trong các sách cổ như Việt điện u linh, ngoài ra còn có các truyện kể dân gian khác về các vị nữ thần được các sách sau này tập hợp và ghi chép lại.
Cùng với việc sưu tầm, một số tác giả là các trí thức nho học thời phong kiến đã tiến hành ghi chép lại và sáng tác thêm những huyền thoại, truyền thuyết đã được sưu tầm ghi chép từ trước và thậm chí là sáng tác thêm cho phù hợp tư tưởng lễ giáo thời kỳ đó. Từ thời Hậu Lê, đã có những việc như vậy nhằm phục vụ cho việc phong thần của các vị vua với hai trường hợp điển hình với các ghi chép-sáng tác về Thánh Mẫu Liễu Hạnh ở miền bắc Việt Nam của Nguyễn Công Trứ, Đoàn Thị Điểm và trường hợp thứ hai là về Thiên Y A Na ở nam Trung Bộ Việt Nam của Phan Thanh Giản. Cũng có một nguồn tư liệu khác được dân gian sáng tác từ các huyền thoại, truyền thuyết và thậm chí là các truyện, thơ về các Thánh Mẫu. Đó là các bài hát văn ở Mẫu Tam phủ Tứ phủ với phần cốt lõi của các bài hát văn là lai lịch, sự tích các vị thần, nhất là các Thánh Mẫu.
Các công trình nghiên cứu đầu tiên về Nữ thần, Mẫu thần ở Việt Nam đều là các công trình của các nhà khoa học người Pháp như Parmenties, Maspero, Durand, Simond và kế tiếp là các nhà khoa học người Việt như Nguyễn Văn Huyên, Đào Thái Bình,…
Từ thập niên 1990, nhất là sau hội thảo quốc gia về Thánh Mẫu do Viện nghiên cứu văn hóa Việt Nam tổ chức tại Văn Miếu (Hà Nội), không khí học thuật liên quan tới tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng và tín ngưỡng dân gian nói chung diễn ra sôi động, hàng loạt tác phẩm, công trình nghiên cứu đã được công bố.
Từ các nghiên cứu tổng hợp, các nhà nghiên cứu đã hệ thống hóa được việc tôn thờ Mẫu ở Việt Nam trên cả phương diện đồng đại và lịch đại. Về phương diện lịch đại, tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam được hình thành và phát triển trên cái nền thờ Nữ thần và Mẫu thần bản địa, rồi tiếp thu những ảnh hưởng của Đạo giáo Trung Hoa để đạt đến đỉnh cao là đạo thờ Mẫu Tam phủ Tứ phủ. Tới thế kỷ XVII-XVIII, khi mẫu Tam phủ Tứ phủ đã được hình thành và phát triển thì nó lại Tam phủ, Tứ phủ hóa tục thờ Nữ thần, Mẫu thần.
Về phương diện đồng đại, đạo Mẫu theo chân người Việt di cư vào phương nam trong quá trình nam tiến. Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt đã giao thoa, tiếp biến với các tục thờ Mẫu của người Chăm, người Khmer, người Lào từ đó tạo nên các dạng thức địa phương của Tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam ở ba miền Bắc bộ, Trung bộ và Nam bộ.
Thờ Mẫu ở Bắc bộ Đền Thánh Mẫu ở Đông Hưng, Thái Bình thờ 1 hoàng hậu nhà Đinh. Bắt nguồn từ tục thờ Nữ thần có nguồn gốc xa xưa từ thời tiền sử, tới thời phong kiến một số Nữ thần đã được cung đình hoá và lịch sử hoá để thành các Mẫu thần tương ứng thời kỷ từ thế kỷ XV trở về trước với việc phong thần của nhà nước phong kiến, hình thức thờ Mẫu thần với các danh xưng như Quốc Mẫu, Vương mẫu, Thánh Mẫu như hiện tượng thờ Âu Cơ, Quốc Mẫu Tây Thiên, Mẹ Thánh Gióng, Tứ vị Thánh nương, Đinh Triều Quốc Mẫu…
Từ khoảng thế kỷ XV trở đi, hình thức thờ mẫu Tam phủ, Tứ phủ được định hình và phát triển mạnh, đây cũng là thời kỳ xuất hiện các nhân vật như Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải, Cô Đôi Thượng Ngàn… với các nghi thức ảnh hưởng từ Đạo giáo. Thờ Mẫu ở Trung Bộ Tháp Po Nagar ở Nha Trang. Dạng thức thờ Mẫu này chủ yếu ở khu vực nam Trung bộ, đặc trưng cơ bản của dạng thức thờ Mẫu ở đây là tín ngưỡng thờ Mẫu không có sự hiện diện của mẫu Tam phủ, Tứ phủ mà chỉ có hình thức thờ Nữ thần và Mẫu thần. Hình thức thờ Nữ thần như thờ Tứ vị Thánh nương, Bà Ngũ Hành và hình thức thờ Thánh Mẫu như thờ Thiên Y A Na, Poh Nagar. Thờ Mẫu ở Nam bộ.
So với ở Bắc Bộ, tục thờ Nữ thần và Mẫu thần có sự phân biệt nhất định với biểu hiện rõ rệt là thông qua tên gọi và xuất thân của các vị thần thì ở Nam Bộ sự phân biệt giữa hình thức thờ Nữ thần và Mẫu thần ít rõ rệt hơn, hiện tượng này được giải thích với nguyên nhân Nam Bộ là vùng đất mới của người Việt, khi di cư vào đây họ vừa mang các truyền thống tín ngưỡng cũ lại vừa tiếp nhận những giao lưu ảnh hưởng của cư dân sinh sống từ trước tạo nên bức tranh không chỉ đa dạng trong văn hoá mà còn cả trong tín ngưỡng.
Những Nữ thần được thờ phụng ở Nam Bộ như Bà Ngũ Hành, Tứ vị Thánh nương, Bà Thuỷ Long, Bà Chúa Động, Bà Tổ Cô,…và những Mẫu thần được thờ phụng như Bà Chúa Xứ, Bà Đen, Bà Chúa Ngọc, Bà Thiên Hậu,…
B.- Nội dung:
Khánh Hòa – Nha Trang là một tỉnh thuộc miền duyên hải cực Nam Trung Bộ, nơi có nhiều di tích lịch sử văn hóa gắn với tín ngưỡng thờ mẫu. Có những đặc điểm tương đồng, khác biệt về đối tượng thờ cúng, cấu trúc thờ tự và nghi lễ thờ cúng so với cơ sở mẫu của người Việt ở Bắc Bộ. Tín ngưỡng thờ mẫu ở Khánh Hòa được xem là một hiện tượng văn hóa mang tính nổi trội, phổ quát và là một thành tố quan trọng trong đời sống văn hóa của cộng đồng cư dân nơi đây.
Trong phạm vi đề tài “Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Khánh Hoà” xin giới thiệu về Thánh Mẫu Thiên Y A Na, Bà mẹ xứ sở hay bà chúa Ngọc, người Chiêm Thành (Chăm) gọi là Nữ thần Poh Nagar (hay Pô Ino Nogar), tuy chỉ là một vị thần theo truyền thuyết, nhưng đã được cư dân Việt và Chăm thờ phụng rất tôn nghiêm, và đã được nhà Nguyễn – Vua Gia Long, xếp vào bậc “Hồng nhân phổ tế linh ứng Thượng đẳng Thần”.
I.- Truyền thuyết về Bà Thiên Y A Na
Văn bia viết về Bà Thiên Y A NA, tại Tháp Poh Nagar, Nha Trang, do Tiến sĩ, Hiệp biện Đại học sĩ, Lễ bộ Thượng thư Phan Thanh Giản soạn ngày 05 tháng 5 năm Tự Đức thứ 9 (1857) – bản dịch của Quách Tấn – ông bà Lê Vinh tạc năm 1970, tóm tắt như sau:
Xưa kia tại núi Đai An (tức Đại Điền hiện nay) có hai vợ chông ông Tiều đến cất nhà và vỡ rẫy trồng dưa nơi triền núi. Dưa chín, thường hay bị mất. Một hôm, ông rình bắt gặp một thiếu nữ trạc mười chín tuổi hái dưa, dồi giỡn dưới trăng. Thấy cô gái dễ thương, ông đem về nuôi, hai ông bà vốn không con cái, nên đối với thiếu nữ thương yêu như con ruột.
Một hôm, trời mưa lụt lớn, cảnh vật tiêu điều buồn bã, thiếu nữ lấy đá chất thành ba hòn giả sơn và hái hoa lá cắm vào, rồi ngắm làm vui. Cho rằng hành vi của con không hợp với khuê tắc, ông Tiều nặng tiếng rầy la. Không ngờ đó là một tiên nữ giáng trần đang nhớ cảnh Bồng lai. Đã buồn thêm bực! Nhân thấy khúc gỗ kỳ nam theo nguồn trôi đến, tiên nữ bèn biến thân vào khúc kỳ nam, để mặc cho sóng đưa đẩy. Khúc kỳ trôi ra biển cả, rồi tấp vào đất Trung Hoa. Mùi hương bay thơm ngào ngạt. Nhân dân địa phương lấy làm lạ, rủ đến xem. Thấy gỗ tốt xúm nhau khiên, nhưng người đông bao nhiêu cũng không giở nổi.
Thái tử Bắc Hải nghe tin đồn, tìm đến xem hư thực. Thấy khúc gỗ không lớn lắm, lẽ gì nặng đến nổi không giở lên, Thái tử lấy tay nhắc thử. Chàng hết sức lạ lùng, vì thấy khúc gỗ nhẹ như tờ giấy! Bèn đem về cung, trân trọng như một bảo vật.
Một đêm, dưới bóng trăng mờ, Thái tử thấy có bóng người con gái thấp thoáng nơi để khúc kỳ nam. Nhưng lại gần xem thì tư bề vắng vẻ, bên mình chỉ phảng phất một mùi hương nhè nhẹ từ khúc kỳ nam bay ra. Chàng quyết rình xem, suốt mấy đêm liền, không hề thấy gì khác lạ. Chàng không nản chí. Rồi một hôm đêm vừa quá nửa, bốn bề im phăng phắc, một giai nhân tuyệt sắc theo ngọn gió hương ngào ngạt, từ trong khúc kỳ nam bước ra. Thái tử vụt chạy đến ôm choàng. Không biến kịp, giai nhân đành theo Thái tử về cung và cho biết rõ lai lịch. Giai nhân ấy chính là Bà Thiên Y A Na.
Thái tử vốn đã trưởng thành, nhưng chưa có lứa đôi vì chưa chọn được người xứng ý. Nay thấy A Na xinh đẹp khác thường, bèn tâu cùng phụ hoàng xin cưới làm vợ. Nhà vua sai quan bói cát hung. Bói trúng quê “đại cát”, liền cử lễ thành hôn.
Vợ chồng Thái tử ăn ở với nhau rất tương đắc và sanh được hai con, một trai, một gái, trai tên là Trí, gái tên Quý, dung mạo khôi ngô.
Thời gian qua, sống trong êm ấm. Nhưng một hôm, lòng quê thúc giục, Bà Thiên Y bồng hai con nhập vào khúc kỳ nam, trở về làng cũ.
Núi Đại An còn đó nhưng vợ chồng ông Tiều đã qua đời. Bà Thiên Y bèn đắp mồ mã cha mẹ nuôi và sửa sang nhà cửa để phụng tự. Thấy dân địa phương còn lạc hậu, Bà đem văn minh Trung Hoa ra giáo hoá: dạy dân cày cấy, kéo vải, dệt sợi… và đặt ra lễ nghi… Từ ấy ruộng nương mở rộng, đời sống của nhân dân mỗi ngày thêm phú túc, phong lưu. Công khai hoá của Bà chẳng những ở trong địa phương, mà các vùng lân cận cũng được nhờ.
Rồi một năm sau, vào ngày lành tháng tốt, trời quang mây tạnh, một con chim hạc từ trên mây bay xuống, Bà cùng hai con lên lưng hạc bay về Tiên. Nhân dân địa phương nhớ ơn đức, xây Tháp tạc tượng Bà phụng thờ. Và mỗi năm vào ngày Bà thăng thiên, người dân tổ chức lễ tưởng niệm múa bóng, dâng hoa rất tôn nghiêm, long trọng.
Ở Bắc Hải, Thái Tử trông đợi lâu ngày, không thấy vợ, con trở về, bèn đem một đạo binh dong thuyền sang Đại An tìm kiếm. Khi thuyền Thái tử đến nơi thì Bà đã cởi hạc quy Tiên. Bộ hạ của Thái tử đã tra khảo người dân rất dữ, vì ngỡ họ cố tình che giấu mẹ con Bà. Bị oan ức và đau đớn, nhân dân đã thắp hương khấn vái Bà. Liền đó, một trận cuồng phong nổi dậy, cát chạy đá bay, đất bằng dậy sóng… đánh đắm đoàn thuyền của Thái Tử Bắc Hải.
Theo lời người xưa truyền lại, những cụm đá ở trước cửa Tháp Bà (tức Tháp Poh Nagar ở Nha Trang), giữa cửa sông Cù, là những tản đá đã đánh đắm đoàn thuyền Thái Tử Bắc Hải.
II.- Dấu tích những ngôi Tháp, nền văn hoá Chămpa:
Ngày xưa, ở khu vực Tháp Bà, có một số tháp đã được xây dựng trong khoảng thời gian từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ 13. Một số công trình đã bị đổ nát, nay chỉ còn lại 4 tháp, trong đó tháp lớn nhất là Tháp Poh Nagar, thờ Mẹ Xứ Sở của người Chămpa, là người đã dạy dân Chămpa trồng lúa và các thứ hoa màu. Người Việt ở Nam Trung bộ còn gọi Nữ thần Thiên Y A NA là Bà Chúa Ngọc.
Tháp Poh Nagar hay Tháp Bà là ngôi tháp nằm trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ cao khoảng 50 mét so với mực nước biển, ở cửa sông Cái (sông Nha Trang) tại Nha Trang, cách trung tâm thành phố khoảng 2 km về phía bắc, thuộc phường Vĩnh Phước. Tên gọi “Tháp Poh Nagar” được dùng để chỉ chung cả công trình kiến trúc này, nhưng thực ra nó là tên của ngọn tháp lớn nhất cao khoảng 23m. Ngôi tháp này được xây dựng trong thời kỳ đạo Hindu (Ấn Độ giáo) đang cường thịnh khi Chăm pa trong giai đoạn có tên gọi là Hoàn Vương Quốc, vì thế tượng Nữ thần có hình dạng của Umar, vợ của Shiva.
Ngọn tháp thứ hai ở chính giữa thờ Thần Cricamblu. Tháp xây từ thế kỷ thứ VII và trong tháp có tượng bằng vàng khối. Vào cuối thế kỷ thứ VIII, người Mã Lai xâm nhập xứ Kaut Hara, cướp mất tượng vàng và phá huỷ ngọn tháp. Vua Satyavarman xây tháp lại và tạc tượng đá thay tượng vàng. Đây chính là Tháp thờ Thái Tử Bắc Hải chồng bà Thiên Y A Na.
Ngọn tháp thứ ba ở phía Nam, đứng ngay hàng cùng hai ngọn trước, thờ thần Linga, biểu hiện của thần Sandhaka. Đó là Tháp thờ Ông Tiều, nghĩa phụ của Bà Thiên Y.
Ngọn tháp thứ tư đứng phía sau tháp thờ Bà Thiên Y. Trong tháp không có tượng, mà chỉ có đế thờ (có lẽ bị thất lạc lúc Mã Lai vào cướp phá). Tháp này thờ thần Ganeca. Đó là đền thờ Công chúa Quý.
Còn hai tháp nửa, cũng ở sau lưng dãy tháp trước. Đó là tháp thờ Bà Tiều nghĩa mẫu của Bà Thiên Y và Hoàng tử Trí. Tháp đã bị hư nát, chỉ còn nền…Cho nên Bà Tiều đưa về thờ chung cùng Ông Tiều ở tháp thứ ba. Hoàng tử thờ chung với Công chúa ở tháp thứ tư.
Phía trước tháp, dưới chân đồi lại có mấy hàng cột cao lớn bằng gạch. Truyền rằng đó là những cột chống vũ đài. Mỗi khi có lễ người ta dùng ván gác lên trên cột thành một sàn gỗ rộng. Vũ nữ và diễn viên ca múa trên sàn gỗ. Thần trong tháp trông ra, nhân dân đứng dưới nhìn lên.
Hàng năm, vào đêm giao thừa, một không khí kỳ thú lung linh ở khu vực Tháp Bà xuất hiện. Khi trời đất bước vào Xuân, vạn vật thay đổi chuyển vần, tiết trời đang se se lạnh, tự dưng ấm lại. Người ta cảm nhận được một mùi hương thơm phảng phất. Đây là hương kỳ nam, hương trầm từ rừng sâu thoảng đến quyện vào mùi thơm của nhang và hoa từ nhà dân chúng, và từ các chùa chung quanh bay ra, tạo thành một không gian có mùi thơm huyền bí. Theo tiếng Chăm, Pô Yang Inư Nagar Kaut Hara có nghiã là Thiên Ya Na Thánh Mẫu là Nữ thần Mẹ Xứ Sở của bộ tộc Kaut. Pô là từ danh xưng dùng cho thần thánh thiêng liêng, được dịch ra từ Thiên. Yang có nghĩa là Trời, Thánh Thần (nhiều dân tộc Tây Nguyên cũng dùng âm tiếng với ý nghĩa như vậy hoặc đọc trại là Giàng, theo người Êđê ở vùng Buôn Ma Thuột, ĐakLak và Khánh Hòa. Inư là mẹ đã mất, Nagar là xứ sở, đất nước) Inư Nagar đã được phiên âm Việt là YaNa. Kaut Hara là thị tộc Kaut.
Tượng Bà Thiên Y A Na, tượng chính được thờ ở khu Tháp là tượng nữ thần bằng đá xanh nguyên khối thể hiện Mẹ Xứ Sở ngồi xếp bằng trên đài sen, tượng này là một kiệt tác nghệ thuật điêu khắc của người Chămpa xưa, rực rỡ trong quá khứ, vào thế kỷ thứ XI.
Toàn bộ tượng và bệ thờ cao 2,60m, đặt giữa lòng ngôi tháp chính cao 22,40m, nếu nhìn chính diện, tượng có đến 10 cánh tay, gồm 2 cánh chính với 8 cánh phụ ở đằng sau phù điêu hình lá bồ đề gắn liền với tượng. Đây là sự biểu hiện tính toàn năng. Hai cánh tay chính đặt trên đầu gối, bàn tay trái mở ra với ý nghĩa ban phát, bàn tay phải dựng đứng, lòng bàn tay ngửa ra trước, trong tư thế trấn an. Ý nghĩa chung là đem lại sự bình an và ban hạnh phúc cho mọi người ở mọi nơi. Tám cánh tay phụ gồm có mỗi tay cầm một vật phụ khác nhau như: đoản kiếm, mũi tên, vòng mặt trời Sakra, mũi lao, chuông nhỏ, lưỡi giáo Ankura, tù và bằng vỏ ốc, cách cung. Các cánh tay này tỏa ra hình rẻ quạt, rất sinh động. Tất cả những vật này tượng trưng cho quyền uy và trí tuệ của Nữ thần.
Pho tượng đặt trên một Yôni lớn, mỗi cạnh 150cm, gồm nhiều lớp đá chồng khít lên nhau như được đẽo gọt từ nguyên khối. Toàn thân tượng cao 154cm, ngực trần, hai bầu vú căng tròn, bụng có nhiều nếp nhăn, chứng tỏ đã trải qua nhiều kỳ sinh nở, bên dưới mặc một chiếc xà rông. Toàn bộ khối tượng với đường nét, tinh tế, uyển chuyển, thanh thoát, đầy sinh lực, gây cho người nhìn một cảm giác gần gũi mà vẫn giữ được vẻ tôn nghiêm.
III.- Truyền thuyết của người Chămpa
Theo truyền thuyết của người Chămpa, Nữ thần Poh Nagar do bọt nước biển và ánh mây trời sinh ra ngoài biển khơi. Một hôm, nước biển dâng cao đưa Bà vào bến sông Yjatran ở Kauthara (Cù Huân). Sấm trời và gió hương liền nổi dậy báo cho muôn loài biết tin bà giáng thế. Tức thì, nước trên nguồn dồn lại thành sông chảy xuống đón mừng bà, và núi cũng hạ mình thấp xuống để đón rước Bà.
Khi Bà bước lên bờ, thì cây cong xuống để tỏ lòng thần phục, chim muông kéo đến chầu hai bên đường, và hoa cỏ cũng xinh tươi rực rỡ hơn để điểm hương cho mỗi bước chân Bà đi. Rồi nữ thần Poh Nagar dùng phép hóa ra cung điện nguy nga, hóa ra trầm hương cùng lúa bắp…
Nhiều phép thuật, Bà cũng rất nhiều chồng. Nơi hậu cung của Bà, có đến 97 ông. Nhưng trong số đó, chỉ ông Pô Yan Amo là có uy quyền hơn cả. Sống với ngần ấy ông chồng, nhưng Bà chỉ sinh được 38 người con gái. Những người con ấy, sau đều thành thần, trong số có ba người được bà truyền nhiều quyền phép:
1. Nữ thần Xứ Trầm hương: Pô Nagar Galâu.
2. Nữ thần vùng Phan Rang: Pô Tdara Nai Anaith.
3. Nữ thần vùng Phan Thiết: Pô Bia Tikuk.
Sự tích Nữ thần Poh Nagar và sự tích Bà Thiên Y A NA thật khác hẳn nhau.
Sụ tích Nữ thần Poh Nagar của người Chiêm Thành phản ánh chế độ mẫu hệ của người Chăm ngày trước.
Sự tích Bà Thiên Y A Na của người Việt biểu lộ tinh thần dân tộc rất sâu đậm, thấm đẩm tính nhân văn và cho chúng ta thấy người xưa xem nghĩa đồng bào nặng hơn tình cảm gia đình rất nhiều. Đó là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.
Lễ hội Am Chúa được tổ chức từ ngày 01 đến ngày 03 tháng 3 âm lịch hàng năm tại Am Chúa, núi Đại An, thôn Đại Điền Trung 1, xã Diên Điền, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.
Đây là dịp sinh hoạt văn hóa tâm linh, để người dân Khánh Hòa nói riêng, khách thập phương cả nước nói chung thể hiện tấm lòng “Uống nước nhớ nguồn”. Nhớ ơn Bà Mẹ Xứ Sở đã dạy cho dân Khánh Hòa biết cày cấy, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải…
Thánh Mẫu Thiên Y A Na – Bà Mẹ xứ sở đã khai sáng và truyền dạy cho dân chúng cách làm ăn, sinh sống. Tín ngưỡng thờ Bà Thiên Y A Na được bắt nguồn từ tục thờ Bà Poh Nagar của người Chăm. Hay nói đúng hơn, những người Việt đến định cư ở đất này đã Việt hoá tục thờ Bà Mẹ xứ sở của người Chăm bằng truyền thuyết về Bà Thiên Y A Na giáng trần tại núi Đại An và hiển thánh ở Tháp Bà – Nha Trang.
Đến nay, ở Khánh Hoà vẫn lưu truyền câu nói: “Am Chúa hiển nhân, Tháp Bà hiển thánh” như một lời khẳng định về sự nối liền giữa di tích Am Chúa với Tháp Bà Poh Nagar.
Đặc biệt, Tổ Khai sơn Am Chúa (Diên Khánh) là Thiền sư Linh Phù – Tế Cảm, tự Thiện Khoáng, thuộc thiền phái Lâm Tế đời thứ 36, đệ tử của Tổ Thiệt Vinh – Bửu Hạnh khai sơn Sắc tứ Viên Tịnh đời thứ 35 dòng thiền Lâm Tế khai sơn Tổ đình Vạn Thiện ở núi Phụng Thuỳ Sơn (Diên Khánh).
Theo Chánh pháp nhãn tạng hiện đang thờ tại bàn Tổ chùa Tổ Vạn Thiện. Căn cứ vào bia tháp và Tháp Tổ tại khu vườn tháp chùa Tổ Vạn Thiện (Diên Khánh) Thiền sư Linh Phù là vị Tổ khai sáng Am chúa tại núi Đại An, Đại Điền. vào khoảng đời Vua Lê Cảnh Hưng (1740-1786).
Am Chúa là một di tích lịch sử văn hoá lâu đời của xứ Trầm Hương (Khánh Hòa), gắn liền với tục thờ Thánh Mẫu Thiên Y. Cùng với truyền thuyết về Thiên Y Thánh Mẫu, di tích Am Chúa đã thể hiện rõ nét sự giao lưu văn hoá Việt – Chăm. Với nhiều giá trị văn hoá và lịch sử cách mạng, năm 1999 Am Chúa đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Lễ hội Tháp Bà Poh Nagar tại Nha Trang diễn ra từ ngày 21 đến ngày 23 tháng 3 âm lịch hàng năm. Lễ hội này đã được Bộ Văn hóa Thông tin Việt Nam xếp hạng là một trong 16 lễ hội quốc gia vào năm 2001.
C.- Lời kết:
Nếu nghi thức múa bóng và đặc biệt là hầu đồng của người Việt Bắc Bộ thường được diễn ra theo một trình tự nghiêm ngặt, nhiều nghi lễ cùng với âm nhạc chầu văn tạo nên một tổng thể diễn xướng dân gian ở trong các điện, đền thờ mẫu, thì nghi thức múa bóng, hầu đồng trong tín ngưỡng thờ mẫu ở Khánh Hòa đơn giản hơn, có sự pha trộn giữa văn hóa Việt và văn hóa Chăm. Trên thực tế, một số ngôi đền, miếu, am và kèm theo nghi lễ hầu bóng ở Khánh Hòa đều có nguồn gốc từ người Việt ở Bắc Bộ mang vào. Tuy nhiên, khi mang vào vùng đất mới, tín ngưỡng thờ mẫu và hầu bóng ở Khánh Hòa có những sắc thái văn hóa riêng, thể hiện trong điện thờ mẫu xuất hiện thêm các vị thần địa phương, như Thiên Y A Na, cùng các vở tuồng, múa chèo thuyền, âm nhạc Chăm… đan xen trong các nghi lễ hầu bóng.
Như vậy, ở Khánh Hòa tín ngưỡng thờ mẫu đã hội tụ cả ba lớp: thờ nữ thần, mẫu thần và mẫu tam phủ, tứ phủ, tương đồng với tín ngưỡng thờ mẫu ở Bắc Bộ và Nam Bộ, tuy nhiên, nguồn gốc hình thành, cấu trúc, đối tượng thờ tự và nghi lễ có những nét khác biệt. Thờ mẫu ở Khánh Hoa không có sự phát triển theo một diễn trình lịch sử như Bắc Bộ, mà linh hoạt, đa dạng do môi trường tự nhiên, hoàn cảnh lịch sử xã hội, sự giao lưu ảnh hưởng của văn hóa Việt – Chăm.
Tín ngưỡng thờ mẫu ở Khánh Hòa là phương thức ứng xử của con người vùng biển với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội; là kết quả của giao lưu và tiếp biến văn hóa Việt – Chăm, sự trao truyền các giá trị văn hóa, sự cố kết các cộng đồng người…đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và bảo tồn văn hóa, góp phần phát huy các giá trị văn hóa và tạo nên sự khác biệt trong phát triển văn hóa du lịch ở Khánh Hòa.
Hiện nay, dân chúng Khánh Hoà, Nha Trang thờ kính Bà Thiên Y A Na, Bà Mẹ Xứ sở tại Tháp Bà Poh Nagar, và thường xuyên đi lễ Bà để cầu nguyện cho quốc thái, dân an, gia đình an lạc. Tháp Bà Poh Nagar không chí là nơi thờ phụng tôn nghiêm mà còn là địa chỉ du lịch văn hoá tâm linh đặc sắc, du khách trong nước hay nước ngoài có dịp đặt chân đến thành phố Nha Trang thơ mộng, không thể không đến viếng Tháp Bà và cầu tài, cầu lộc, cầu gia đạo bình an, đất nước thanh bình, nhân dân an lạc…
Tham luận tại Hội thảo “Phật giáo với Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam”
Nhà nghiên cứu Trí Bửu – Đêm Nha thành, Mùa Hạ 2018
Tài liệu tham khảo:
1. Tự điển Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
2. Xứ Trầm Hương (Quách Tân)
3. Văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu ở Khánh Hòa (Nguyễn Văn Bốn)
4. Linh Thiêng chùa cổ Van Thiện, Diên Khánh, Khánh Hòa
5. Tháp Bà Poh Nagar Nha Trang
6. Am Chúa Diên Khánh
Giao lưu, giới thiệu văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu năm 2019
Trong hai ngày (18 – 19/3), hơn 50 nghệ nhân dân gian, thanh đồng bản hội đến từ các 14 tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước sẽ mang đến chương trình những tiết mục trình diễn độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc của mỗi địa phương trên nền tảng của nghệ thuật diễn xướng dân gian với các làn điệu hát văn cổ truyền. Thực hành văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt hay còn gọi là Nghi lễ Chầu văn được đánh giá là một loại hình diễn xướng độc lập, có giá trị nghệ thuật cao trong nền văn hóa dân gian Việt Nam. Hầu đồng được coi là nghi lễ quan trọng bậc nhất, là hình thức diễn xướng tâm linh diễn ra ở các điện, đền, phủ.
Chỉ riêng trên địa bàn thành phố có 14 ngôi đền, trong đó 12 ngôi đền thờ Mẫu Thần. Tuyên Quang được biết đến là đất của các Thánh Mẫu, nơi phát tích của Mẫu Thoải. Với sự linh thiêng, tín ngưỡng thờ Mẫu đã trở thành nét văn hóa độc đáo, tồn tại lâu đời trong đời sống tín ngưỡng của người dân xứ Tuyên. Việc tổ chức Giao lưu, giới thiệu văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu trong dịp Lễ hội Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Ỷ La đã đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của người dân Việt Nam nói chung và tỉnh Tuyên Quang nói riêng. Chương trình đã thu hút đông đảo sự quan tâm của nhân dân và du khách thập phương về với thành phố Tuyên Quang.
Chương trình là dịp để những người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ có cơ hội gặp gỡ, giao lưu và học hỏi lẫn nhau, giới thiệu với nhân dân và du khách thập phương về trang phục, lối hát văn và hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam. Qua đó nhằm bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận./.
Tín ngưỡng thờ Mẫu chính thức trở thành Di sản của nhân loại
Vào hồi 17h15 giờ địa phương (21h15 giờ Việt Nam) ngày 1/12/2016, tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO diễn ra tại thành phố Addis Ababa, Cộng hòa dân chủ Liên bang Ethiopia, di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Theo Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, hồ sơ đề cử di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đáp ứng những tiêu chí sau để đăng ký vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Cụ thể, các thông tin trong Hồ sơ đã chỉ ra rằng di sản đã và đang góp phần quan trọng vào việc tạo ra sợi dây tinh thần liên kết các cộng đồng thực hành di sản. Từ góc độ xã hội, với tính chất cởi mở của di sản, đã thúc đẩy sự khoan dung giữa các sắc tộc và tôn giáo. Di sản này đã được trao truyền lại từ thế kỷ thứ 16 thông qua việc thực hành, truyền dạy của thủ nhang, đồng đền và con nhang, đệ tử… Nó tương thích với các quy định về nhân quyền quốc tế và không có giới hạn về thực hành.
Trong đó, bộ phận cấu thành của di sản này góp phần vào khả năng thực hành di sản nói chung và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nó ở các cấp độ khác nhau; đưa ra được những điểm tương đồng văn hóa giữa các cộng đồng và các nhóm người tham gia vào việc thờ Mẫu như là biểu tượng của lòng từ bi và độ lượng, cùng với đó là sự kết hợp của Đạo giáo, Phật giáo và các tôn giáo khác.
Khi di sản này này được chia sẻ bởi các nhóm dân tộc khác nhau ở Việt Nam, việc thực hành sẽ tăng cường đối thoại và thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa; giúp cho việc sáng tạo, làm giàu vốn văn hóa và trở thành một thành phần quan trọng của lễ hội, nơi mà yếu tố nghệ thuật như trang phục, vũ đạo và âm nhạc đóng vai trò quan trọng.
Thông tin Hồ sơ cũng đã cung cấp một phụ lục chứng minh di sản đã được đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2013. Hoạt động kiểm kê đã được Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp tổ chức thực hiện với Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam; kết quả kiểm kê đều được cập nhật hàng năm. Việc kiểm kê đã được thực hiện với sự tham gia của cộng đồng địa phương, trưởng thôn, thủ nhang, đồng đền, ông đồng, bà đồng, con nhang, đệ tử…
Việc UNESCO ghi danh Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định những nỗ lực của các cấp, các ngành và cộng đồng trong việc bảo tồn kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.
Như vậy, với việc được UNESCO thông qua thì việc “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” sẽ trở thành di sản thứ 10 của Việt Nam được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Danh sách di sản văn hoá cần được bảo vệ khẩn cấp gồm: Nhã nhạc – Nhạc Cung đình triều Nguyễn (2003), Không gian văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên (2005), Hát Ca Trù của người Việt (2009), Dân ca Quan họ (2009), Hội Gióng ở đền Sóc và đền Phù Đổng (2010), Hát Xoan Phú Thọ (2011), Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ (2012), Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ (2013), Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh (2014), Nghi lễ và Trò chơi Kéo co (2015, Hồ sơ đa quốc gia, hợp tác với: Hàn Quốc, Campuchia và Philippin).
Tín ngưỡng thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian thuần Việt, có lịch sử lâu đời của người Việt, biến chuyển thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Tín ngưỡng thờ Mẫu hướng đến cuộc sống thực tại của con người với ước vọng sức khỏe, tài lộc, may mắn… là một nhu cầu trong đời sống tâm linh của người Việt, mang lại cho họ sức mạnh, niềm tin và có sức thu hút mọi tầng lớp trong xã hội.
Tâm là giá trị cốt lõi của tín ngưỡng thờ Mẫu. Mẫu dạy con người sống hướng thiện, có cái tâm trong sáng, biết đối nhân xử thế, thờ phụng ông bà tổ tiên và biết ơn những người có công với dân, với nước.
Trong dân gian, tục thờ Mẫu có nguồn gốc từ thời Tiền sử khi người Việt thờ các thần linh thiên nhiên, các thần linh này kết hợp trong khái niệm Thánh Mẫu hay còn gọi là nữ thần Mẹ.
Trải qua lịch sử, tín ngưỡng thờ Mẫu ở nước ta đã phát triển hình thành tín ngưỡng Tam phủ (Thiên phủ, Nhạc phủ, Thoải phủ), Tứ phủ (ba phủ trên có thêm Địa phủ). Đến thế kỷ XVI, trên cơ sở tín ngưỡng Tam phủ, Tứ phủ, với sự ra đời của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, một tôn giáo bản địa sơ khai được hình thành. Tín ngưỡng thờ Mẫu còn gắn liền với nghệ thuật Chầu văn hay còn gọi là Hát văn – một loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống của người Việt đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Nghi lễ Chầu văn, hay còn gọi là hầu đồng, một nghi thức tín ngưỡng tiêu biểu nhất với tên gọi chính thức “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đang được dư luận đặc biệt quan tâm, nhất là khi tín ngưỡng đang được đệ trình UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại.
Hà Tùng Long
Hiểu đúng về tín ngưỡng thờ Mẫu
Quang cảnh buổi tọa đàm.
Buổi tọa đàm đàm tập trung giới thiệu không gian thần điện với đầy đủ các cung sở qua đây công chúng sẽ được thưởng thức nghệ thuật điêu khắc riêng của tín ngưỡng với hệ thống tượng thần, hoàng phi, câu đối, hương án…. được làm từ bàn tay của những nghệ nhân nổi tiếng. Bên cạnh đó, những bộ trang phục khăn chầu áo ngự tiêu biểu với hình thức thể hiện vừa trang trọng vừa sinh động cũng được giới thiệu.
Tại tọa đàm, thạc sĩ Trần Quang Dũng đã giải thích các lớp trong thờ điện của Tín ngưỡng thờ mẫu Tứ Phủ và Tam Phủ và sự xuất hiện của Chư Phật trong thờ điện của Tứ Phủ. Ông cho rằng thờ điện vừa mang tính chất gia đình và mang tính chất cung đình. Đầm ấm nhưng trang nghiêm. Sự gần gũi của thần điện tạo cho các tín đồ thấy đc sự gần gũi ấm nhưng cũng tôn nghiêm mà mọi người tiếp cận với tín ngưỡng thờ Mẫu.
Còn với TS Nguyễn Ngọc Mai- Viện Nghiên cứu Tôn giáo giải thích lại lịch sử của khăn chầu áo ngự và quá trình phát triển, thay đổi của trang phục trong nghi lễ lên đồng. Bà khẳng định rằng nhờ có trang phục mà lên đồng vẫn giữ được giá trị của nó cho đến tận bây giờ. Dùng trang phục để đưa thánh thần về với cuộc đời thật là một điều hết sức nhân văn của lên đồng. Nhưng cần sáng tạo để gìn giữ nó và lưu truyền cho mãi mãi thế hệ sau.
Cũng trong buổi tọa đàm, Đại đức Thích Thanh Tuấn đã có bài tham luận về mối quan hệ giữa Đạo Phật và Tín ngưỡng thờ mẫu, và Các nghi lễ cơ bản trong Tín ngưỡng Thờ Mẫu. Đại đức cho rằng Phật giáo đã có những biến chuyển tích cực khi hoà nhập vào tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu đã, đang và sẽ trở thành một thực thể thống nhất.
Ở một góc độ khác bà Đàm Lan- Chủ nhiệm dự án phim Mẹ Việt – Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt khẳng định, đây là một chương trình giới thiệu tương đối tổng thể về tín ngưỡng bằng hình thức trực quan, trong không gian triển lãm vừa có thể cảm nhận được không gian của một thần điện, vừa được chiêm ngưỡng, ngắm nhìn những sản phẩm nghệ thuật phục vụ cho tín ngưỡng và được các chuyên gia chia sẻ về những giá trị của tín ngưỡng và những loại hình nghệ thuật ẩn chứa trong tín ngưỡng. Công chúng sẽ vừa được nghe, được nhìn và được giải đáp thắc mắc về Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt với mong muốn đóng góp cho công cuộc bảo tồn văn hóa bản địa…
Minh Sơn
Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu được công nhận Di sản thế giới
Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại Ethiopia ngày 1/12.
Thực hành cơ bản của tín ngưỡng thờ Mẫu bao gồm các lễ cúng, lên đồng, hát văn, và lễ hội, tiêu biểu là lễ hội Phủ Dầy ở tỉnh Nam Định diễn ra vào ngày 3 tháng 3 âm lịch (ngày mất của Thánh Mẫu Liễu Hạnh). Các thực hành thể hiện những yếu tố văn hóa truyền thống như trang phục, âm nhạc, múa, diễn xướng dân gian mang đậm bản sắc văn hóa Việt, được sáng tạo, phát triển, lưu truyền qua các thế hệ hàng trăm năm.
Theo Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt đã đáp ứng các tiêu chí: Góp phần quan trọng vào việc tạo ra “sợi dây tinh thần” liên kết các cộng đồng thực hành di sản, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nó ở các cấp độ khác nhau. Từ những năm 1990, các con nhang, đệ tử và người thực hành di sản này đã tự nguyện huy động, đóng góp tiền, hỗ trợ cho việc duy trì lễ hội và trùng tu di tích thờ Mẫu…
Lên đồng là nghi lễ chính và rất quan trọng trong tín ngưỡng Thờ Mẫu Tứ phủ. Ảnh: Lê Bích. |
Đây là Di sản văn hóa phi vật thể thứ 11 của Việt Nam được UNESCO công nhận. Trước đó có nhã nhạc cung đình Huế, nghi lễ kéo co, dân ca quan họ Bắc Ninh, ca trù, Hội Gióng, hát xoan, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, đờn ca tài tử Nam Bộ, dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
“Lần đầu tiên UNESCO vinh danh người phụ nữ Việt Nam qua hình ảnh của Thánh Mẫu. Hồ sơ viết với chất lượng cao và là 1/18 hồ sơ được thông qua không cần thảo luận. 19 hồ sơ khác tranh luận quyết liệt kể cả di sản Yoga của Ấn Độ”, ông Phạm Sanh Châu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO (Bộ ngoại giao) tham dự phiên họp chia sẻ.
|
Trích đoạn Giá Chầu Đệ Nhị tại Nhà hát Bến Thành – TP HCM. Nguồn: Viet Theatre |
Cùng đợt vinh danh này có cách sản xuất 1.500 loại bia của Bỉ, điệu nhảy Rumba của Cuba và săn mồi bằng chim ưng của 18 nước đồng trình.
Xem thêm: Những điểm dừng chân trên con đường di sản miền Trung
Gìn giữ bản sắc văn hóa di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt
(Tổ Quốc) – Nghi thức vấn đồng trong Destination Hanoi chiếu trên kênh CNN được thực hiện bởi thanh đồng Nguyễn Đức Hiển đã để lại nhiều ấn tượng với khán giả quốc tế bởi vẻ đẹp văn hóa đa dạng và đặc sắc của người Việt.
(Tổ quốc) – Mới đây, kênh truyền hình CNN đã lần đầu tiên phát sóng bộ phim tài liệu với tựa đề “Destination Hanoi” (Điểm đến Hà Nội). Trong suốt hành trình khám phá Hà Nội qua hình ảnh, khán giả đã được ghé thăm nhiều địa điểm văn hóa đặc sắc của Thủ đô như chương trình Tinh Hoa Bắc Bộ, Làng cổ Cự Đà, Bánh tôm Hồ Tây, Việt Phủ Thành Chương và đặc biệt là chiêm ngưỡng vấn đồng trong Tín ngưỡng thờ Mẫu (Đạo Mẫu)…
Nghi thức vấn đồng trong Destination Hanoi được thực hiện bởi thanh đồng Nguyễn Đức Hiển đã để lại nhiều ấn tượng với khán giả quốc tế bởi vẻ đẹp văn hóa đa dạng và đặc sắc của người Việt.
Toàn cảnh buổi vấn đồng trong Tín ngưỡng thờ Mẫu – Ảnh: CNN |
Những giá trị văn hóa độc đáo
Những giá trị văn hóa độc đáo của di sản Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được thể hiện qua nhiều nghiên cứu.
Trên phương diện khoa học, ông Phạm Tứ – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cho biết: “Tín ngưỡng thờ Mẫu là tín ngưỡng bản địa của người Việt, chứa đựng những giá trị nhân văn cao cả, tôn vinh người phụ nữ Việt Nam qua hình tượng người mẹ tự nhiên. Tín ngưỡng thờ Mẫu đã phát triển rộng khắp vùng đồng bằng Bắc Bộ, từ đô thị đến miền núi tạo nên một nét khá nổi bật trong bức tranh chung vốn đã hết sức đa dạng phong phú của đời sống tín ngưỡng tôn giáo của đất nước ta.”
Thanh đồng Nguyễn Đức Hiển tái hiện lại nghi thức vấn đồng. Ảnh: Gia Linh |
Tục thờ Mẫu của người Việt không chỉ nhân hóa tự nhiên mà còn định tính hóa tự nhiên, nói cách khác việc tôn thần, thờ mẫu không chỉ hiện thân của bản thể mà còn là lực lượng cai quản tự nhiên. Nhận thức thế giới đó đã giúp cho con người hòa đồng với tự nhiên, cảm nhận tự nhiên, lắng nghe tự nhiên, rồi cuối cùng bảo vệ tự nhiên một cách hiệu quả hơn.
Khác với các tôn giáo, tín ngưỡng khác, tín ngưỡng thờ Mẫu hướng niềm tin con người vào thế giới hiện tại, đó là nhân sinh quan mang tính tích cực phù hợp với con người trong thế giới hiện nay. Trong hệ thống điện thần thờ mẫu, các vị thánh đều hóa thân từ những con người danh tiếng có công trạng trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước của dân tộc như Trần Hưng Đạo trong Đức thánh Trần, mẹ Âu Cơ trong mẫu thượng ngàn, tướng quân Lê Khôi hay Nguyễn Chí trong ông Hoàng Mười, trạng nguyên Phùng Khắc Khoan trong vai ông Hoàng Bơ. Đây không phải là việc làm tùy tiện, ngẫu nhiên mà được sáng tác từ ý thức lịch sử và xã hội, ý thức hướng về cội nguồn, uống nước nhớ nguồn, tôn vinh những người có công với đất nước, bằng cách đó tục thờ mẫu gắn bó với cội nguồn, lịch sử dân tộc, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Chủ nghĩa yêu nước đã được tín ngưỡng hóa, tâm linh hóa trong đó người mẹ, mẫu là nhân vật trung tâm.
TS Trần Đoàn Lâm – Giám đốc Nhà xuất bản Thế giới, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Việt Nam cho biết, “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là một trong những thành tố rất đặc sắc của văn hóa Việt Nam. Đạo đức nho giáo rất trọng nam kinh nữ, nhưng riêng tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ lại đề cao vai trò của người phụ nữ. Đây là kho tàng văn hóa bao gồm nhiều yếu tố như nghi lễ, trang phục, âm nhạc… Chính vì vậy UNESCO đã công nhận Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại vào ngày 1/12/2016.”
Nghệ nhân thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ – Nguyễn Đức Hiển khẳng định “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là tín ngưỡng mang đậm dấu ấn của bản sắc sinh động của người Việt, gắn bó mật thiết với cội nguồn và lịch sử dân tộc, được sinh ra từ ước vọng của nhân dân mong mưa thuận, gió hòa, cuộc sống ấm no…”
Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ – một di sản văn hóa nghệ thuật trên cơ sở các nhận thức về thế giới quan, nhân sinh quan, kết tinh chắt lọc đã tạo nên một không gian tâm linh uy nghiêm. Ảnh: Gia Linh |
Vì sao hấp dẫn
Những lý giải của các nhà khoa học và cũng chính từ những nghệ nhân thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đã phần nào trả lời cho câu hỏi Vì sao thực hành tín ngưỡng thờ mẫu lại hấp dẫn với đông đảo người dân và thậm chí là khán giả quốc tế.
Ông Phạm Sanh Châu – Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Đặc phái viên của Chính phủ về các vấn đề UNESCO, Tổng thư ký ủy ban UNESCO Việt Nam chia sẻ: “Ở Việt Nam có lẽ không có một tôn giáo nào mà sức hấp dẫn lại mạnh như Tín ngưỡng thờ Mẫu. Tại sao nó lại hấp dẫn như vậy, có lẽ bởi tất cả mọi người đều cảm thấy hạnh phúc và vui vẻ khi tham gia thực hành, tính linh hoạt và tính mở của nó rất lớn. Cá nhân tôi không phải là người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu nhưng tôi cảm thấy rất thích thú mỗi lần được dự các hoạt động của cộng đồng này.”
Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ – một di sản văn hóa nghệ thuật trên cơ sở các nhận thức về thế giới quan, nhân sinh quan, kết tinh chắt lọc đã tạo nên một không gian tâm linh hàm chứa sự uy nghi, sang trọng, tràn ngập niềm vui và nét đẹp của một hình thức sân khấu độc đáo, một bảo tàng sống của văn hóa truyền thống Việt Nam. Chính điều này đã gây ấn tượng mạnh mẽ đối với khán giả quốc tế.
Cần ngăn chặn những biến tướng
Bên cạnh những giá trị nhân văn, giá trị văn hóa độc đáo, hiện nay, không ít người lợi dụng di sản này vào mục đích khác, thậm chí đi ngược lại với tính nhân văn, tính văn hóa vốn có của nó. Bên cạnh đó, tình trạng sân khấu hóa nghi thức thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu một cách tùy tiện cũng gây nên sự lo ngại về việc mai một bản sắc di sản.
Ngay trong mùa lễ hội năm 2018, Bộ VH-TT&DL đã có công văn số 618/BVHTTDL-DSVH gửi các Sở VHTT/Sở VHTTDL các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương về việc chấn chỉnh hoạt động Hầu đồng trong Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.
Theo đó, văn bản nêu rõ, để triển khai hiệu quả và nghiêm túc Chương trình hành động quốc gia bảo vệ di sản Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được Bộ VHTTDL công bố, Bộ VHTTDL yêu cầu Sở VHTT/Sở VHTTDL kịp thời kiểm tra, chấn chỉnh các hiện tượng phản cảm, sai lệch với bản chất của di sản văn hóa phi vật thể Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, cụ thể: Chỉ tổ chức Hầu đồng ở những nơi có điện thờ Mẫu hoặc di tích thờ Mẫu; không tổ chức nghi lễ Hầu đồng ở khu vực công cộng với tính chất một loại hình dịch vụ du lịch hay ca nhạc đường phố; Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người thực hành về giá trị của di sản, qua đó khuyến cáo hạn chế việc sử dụng nhiều vàng mã và đồ lễ đắt tiền để chia, phát lộc trong lễ hầu đồng. Đồng thời ngăn chặn, xử lý hiện tượng lợi dụng Hầu đồng, lợi dụng niềm tin của nhân dân để trục lợi, kiếm tiền và làm ảnh hưởng đến đời sống tâm linh, tinh thần của cộng đồng.
Thanh đồng Nguyễn Đức Hiển cho biết hiện nay vẫn còn những những nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ, chưa chuẩn về thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu. “Hiện nay trong xã hội ta nghĩ rằng đạo Mẫu rất mê tín, thậm chí những người thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu cũng có nhiều lệch lạc, chính vì vậy, chúng ta nên thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, giao lưu văn hóa, giữa các nghệ nhân, giữa Việt Nam và quốc tế để công chúng có thể hiểu đúng về đạo Mẫu, hiểu đúng giá trị nhân văn thực sự của thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”.
Ý kiến của thanh đồng Nguyễn Đức Hiển cũng đồng nhất với nghệ nhân Lưu Ngọc Đức – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn hóa thờ Mẫu và hát văn Hà Nội, nghệ nhân Lưu Ngọc Đức cho biết, “Cái gì cũng còn có mặt trái. Đại đa số chúng tôi vẫn giữ đúng nghi lễ thực hành theo lối cổ truyền. Tôi rất mong có các cuộc họp với các đơn vị quản lý văn hóa, các chuyên gia để giữ gìn thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đúng bản sắc, không bị biến thái, bị lai căng”. Bên cạnh đó là việc phân định rõ định nơi nào đủ điều kiện tổ chức nghi lễ, nơi nào không và xây dựng quy chế thực hành nghi lễ nhằm tạo chuẩn mực cho việc tổ chức, thực hành./.
Gia Linh – CN