Kinh tế tri thức – Lợi thế cạnh tranh trong thời đại mới
TTH – Sự bùng nổ của máy tính kỹ thuật số và internet được xem là bước ngoặt lớn trong tiến trình phát triển và làm nổi rõ lợi thế cạnh tranh của các nước trên thế giới.
Trong thế giới ngày nay khi tất cả mọi thứ xoay quanh công nghệ, cạnh tranh giữa các nước chính là vấn đề ai có thể nắm bắt nhanh hơn và phát huy hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tốt hơn. Khi đó, các tranh chấp thương mại chỉ là một trong nhiều kênh để cạnh tranh trước khi các nước trở nên hùng mạnh và phát triển hơn nhờ khả năng công nghệ.
Đầu tư vào giáo dục có vai trò quan trọng trong nền kinh tế tri thức. Ảnh: AP
Chúng ta không chỉ sống trong thời đại số, mà còn đang sống trong một cuộc cách mạng tri thức bằng cách sử dụng tri thức và công nghệ được số hóa. Trong thời đại trước khi số hoá bắt đầu, sự cạnh tranh giữa các nước chỉ tập trung vào vấn đề về đất đai, lao động và nguồn vốn.
Sự bùng nổ của máy tính kỹ thuật số và internet được xem là bước ngoặt lớn trong tiến trình phát triển và làm nổi rõ lợi thế cạnh tranh của các nước trên thế giới. Theo các nhà phân tích, nền kinh tế tri thức với những ưu điểm đặc trưng có thể giúp những nước phía sau bắt kịp các nền kinh tế tiên tiến.
Nhiều ưu thế
Trong nền kinh tế tri thức, gần như mọi kiến thức đều có thể được số hoá, có nghĩa là thông tin sẽ được sao chép và nhân bản với chi phí cận biên gần bằng không, đồng nghĩa với việc bất kỳ ai cũng có quyền tiếp cận kiến thức và sẵn sàng học qua thực hành (LBD) để có thể chuyển đổi kiến thức thành công nghệ, từ đó đạt được lợi thế cạnh tranh. Internet cho phép kiến thức lan truyền với chi phí thấp đến với nhiều người, nhất là những người vốn trước đây không có điều kiện để học hỏi.
Kiến thức sẽ phát huy lợi ích khi được tập trung, nghĩa là nhiều người quy tụ lại với cùng nền tảng kiến thức có thể giúp làm tăng hiệu quả nhanh hơn những người làm việc trong sự cô lập. Điều này giải thích lý do tại sao kiến thức phát triển ở các thành phố nhanh hơn ở các vùng thôn quê.
Quan trọng hơn, với nền kinh tế tri thức, tri thức chính là nguồn vốn quý nhất, là nguồn lực hàng đầu để tạo sự tăng trưởng. Trong khi các nguồn vốn khác như tài nguyên, đất đai… sẽ bị hao hụt và mất dần khi sử dụng thì tri thức và thông tin được sử dụng lại không hề mất đi, thậm chí còn tăng lên. Do đó, nắm bắt được tri thức, “nguồn vốn” của quốc gia không những không cạn kiệt và sẽ ngày càng “giàu có”.
Chú trọng đầu tư
Nhiều chuyên gia cho rằng, chỉ xây dựng những cụm trung tâm tri thức thôi là không đủ. Cần có một “hệ sinh thái” khuyến khích sự đổi mới, dám chấp nhận mạo hiểm và đầu tư vào nghiên cứu để phát triển nền kinh tế tri thức. Có thể lấy ví dụ từ sự thành công của Thung lũng Silicon. Sở dĩ Thung lũng Silicon vượt mặt Hành lang công nghệ Boston với nhiều trường đại học danh tiếng và công ty tri thức ở đó là do sự khác biệt giữa 2 bên. Chính sự cởi mở của Bờ Tây trước các yếu tố đa dạng, tiếp nhận nhiều nền văn hóa và sẵn sàng chia sẻ thông tin là chìa khoá cho sự phát triển.
Ngoài ra, sự hỗ trợ của chính phủ cho nghiên cứu và phát triển là yếu tố có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế tri thức. Mỹ là quốc gia dẫn đầu trong nghiên cứu và phát triển, với phần lớn ngân sách đến từ chi tiêu của chính phủ Mỹ về quốc phòng, công nghệ vũ trụ, y tế và giáo dục. Ví dụ, Boeing – hãng máy bay lớn nhất thế giới của Mỹ, được chính phủ nước này hỗ trợ rất nhiều thông qua các hợp đồng quốc phòng, trong khi đối thủ cạnh tranh Airbus cũng nhận được các khoản trợ cấp trực tiếp từ Liên minh châu Âu.
Một lĩnh vực khác cần đặc biệt chú trọng là giáo dục và đào tạo. Đầu tư vào hệ thống giáo dục và đào tạo có chất lượng cao để người dân được học tập, từ đó nâng cao tri thức và năng lực sáng tạo, tạo ra sức mạnh và lợi thế cạnh tranh với các nước khác. Đáng lưu ý, trong nền kinh tế hiện đại, lượng thông tin tăng lên rất nhanh, đồng thời sự lão hoá của tri thức cũng tăng nhanh tương ứng, do đó giáo dục một lần đang dần dần được thay thế bằng giáo dục suốt đời. Thực tế cho thấy giáo dục kiến thức và đào tạo nghề nghiệp có vai trò ngày càng quan trọng. Theo số liệu thống kê ở Mỹ, mức đầu tư vào đào tạo nghề nghiệp nước này mỗi năm đã vượt quá 100 tỷ USD.
Song song với đào tạo nguồn nhân lực, cần đẩy mạnh ứng dụng và phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin vì công nghệ thông tin chính là chìa khoá để đi vào nền kinh tế tri thức. Các nước ở nhóm sau muốn rút ngắn khoảng cách với các nước khác, bắt kịp các nền kinh tế tiên tiến, phải khắc phục khoảng cách về công nghệ thông tin.
TỐ QUYÊN
(Tổng hợp và lược dịch từ ANN, The Star & Devdiscourse)
Tác động của kinh tế tri thức và sự phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam
(Trích Báo cáo tại Hội thảo khoa học "Trí thức Việt Nam với sự nghiệp phát triển đất nước", ngày 24/3/2003)
Phải thừa nhận rằng, trong thế giới hiện đại – thế giới đang từng bước đi vào kinh tế tri thức – nhịp độ tích cực sáng tạo ra những tri thức mới cũng như sự lỗi thời nhanh chóng của tri thức diễn ra mạnh mẽ chưa từng thấy. Trong nhịp độ chung ấy, khái niệm trí thức trong tư duy của chúng ta cũng trở nên quá lỗi thời, nhiều chỗ, nó đóng băng lại khiến cho trong nền sản xuất của đầu thế kỷ 21 mà chúng ta tham gia vào, bóng dáng người trí thức trong thời đại tư bản chủ nghĩa vẫn được chỗ này hay chỗ khác đính nó vào với chính người trí thức do chúng ta đào tạo ra trong điều kiện mới, trong hoàn cảnh mới. Thoạt nghe thì tưởng là một nghịch lý, nhưng thực tế quả là như vậy.
Karl Marx đã có một dự đoán thiên tài về một thời điểm nào đó trong lịch sử phát triển của nhân loại, khoa học sẽ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Diễn giải tư tưởng này của Marx hoàn toàn không đơn giản, nhưng thực tế sản xuất cho thấy, điều khác biệt trong sản xuất khi khoa học đã trở nên một lực lượng trực tiếp, chu kỳ tiếp thị và thiết kế, tạo ý tưởng và phát minh, thi công và làm ra sản phẩm mới được co lại đến nỗi mà, chỉ ba bốn thập kỷ trôi qua, nếu như lúc đầu một chu kỳ sản phẩm được phép kéo dài tới 40 năm thì ngày nay có chu kỳ sản phẩm chỉ là 40 tuần.
Sự sống còn của không ít doanh nghiệp, và rồi của chung các doanh nghiệp sẽ là ở chỗ, các sản phẩm của họ phải chiếm lĩnh thị trường trước khi sự cạnh tranh có thể sao chép được chúng. Trong các xí nghiệp, các xưởng sản xuất lúc này xuất hiện một con người, thật ra cũng không mới mẻ gì, mà chỉ là con người thay đổi những cách tác nghiệp: ngày trước, họ ngồi ở phòng thí nghiệm, họ đưa ra ý tưởng, họ tạo mẫu…, còn quá trình sản xuất có đưa sản phẩm của họ vào kế hoạch không có thể còn một thời gian dài. Ngày nay, con người đó cùng với những lao động khác phải sống bằng những thay đổi hết sức nhanh chóng của sản phẩm, do vậy họ trở thành người lao động trực tiếp. Chỉ có điều là, những lao động khác không có vốn tri thức như họ thì không thể thay thế họ được. Người đó, ngày trước gọi là những trí thức, sống biệt lập với giới thợ thuyền cho dù giới này thi công những gì họ thiết kế. Còn trong kinh tế tri thức, nên hiểu trí thức hiện đại là những lao động trực tiếp. Điều hiểu biết này có áp dụng cho giới khoa học xã hội và nhân văn không? Đó là đương nhiên. Hàng chục năm qua, có tới cả nghìn cán bộ khoa học xã hội và nhân văn sống bằng các đề tài, các dự án, các chương trình, mà thực chất là sống bằng những hợp đồng. Sản phẩm của họ không mang lại cái mới cho xã hội, dù có thể là cái mới trong khái niệm, cho sự định hướng cho một chính sách cụ thể thì hợp đồng sẽ bị xoá bỏ. Xã hội rồi sẽ nghiêm khắc hơn trong việc xem xét sản phẩm của bất cứ công nghệ nào, từ công nghệ sinh học, công nghệ tế bào, công nghệ vật liệu mới… cho đến công nghệ giáo dục, công nghệ xử lý các quá trình quản lý xã hội… đều phải được nghiệm thu, được đánh giá. Lúc đó, chẳng có nhà trí thức nào sống bằng các ý tưởng bay bổng trên cuộc sống thực của xã hội. Trí thức là những người lao động trực tiếp bằng trí tuệ của họ. Không nên coi họ là công nhân, nhưng cũng không nên coi họ là giai tầng đứng ngoài sản xuất. Đến một trình độ phát triển nào đó, công nhân phải được trí thức hoá (như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói từ giữa thế kỷ trước), và tự công nhân sẽ trở thành những lao động trí thức (Knowledge Workers). Vậy là, từ thành phần xã hội đã có lúc tưởng họ quá xa nhau thì nay, cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại lại tạo ra cho họ một viễn cảnh phát triển chung: trở thành những lao động trí thức trên các mặt trận sản xuất.
Nếu nói kinh tế tri thức sẽ tác động vào đội ngũ trí thức ra sao thì trước hết, nó sẽ loại trừ những trí thức không đáp ứng với một nền kinh tế mà trong đó công nghệ mới sẽ tiếp tục làm thay đổi phương thức sống và làm việc của những người vốn từ trước tới nay được coi là lao động trí óc. Đổi mới không là hoạt động chủ đạo của mình thì lao động trí óc sớm muộn sẽ bị đào thải khỏi việc làm. Do vậy, với trí thức, không gian học tập hình như mở rộng rất nhanh trên cơ sở phân công lao động và sự phân định phạm vi học tập của con người trong phòng thiết kế cũng như trong xưởng máy. Do vậy, việc tìm kiếm các cơ hội học hành cũng bức xúc như trước đây người ta tìm kiếm chỗ làm việc, và nhiều khi, không có thời gian học hành thì không thể giữ được việc làm hoặc không tìm được việc làm.
Ở Việt Nam, tình hình này có thực hay không? Riêng cá nhân mình, tôi thấy đó là một thực tế. Giả sử, sáng mai sau khi thức dậy, chúng ta được đọc một thông báo rằng, bắt đầu từ nay, ai cũng phải ký hợp đồng với nhà nước chứ không làm việc theo biên chế cố định như bây giờ thì điều gì xảy ra. Tôi chắc rằng, có vô khối người vốn tự xưng là trí thức nhưng nhà nước sẽ không ký hợp đồng làm việc với họ nữa, mà lý do chủ yếu là họ chỉ đại diện cho một lô kiến thức cũ kỹ, lỗi thời, quen thói ngồi chơi xơi nước ở cơ quan.
Vậy thì, kinh tế tri thức có tác động, nhưng nếu chỗ nào đó tác động không có hiệu quả thì nên tìm nguyên nhân ở cơ chế, ở chính sách chứ cuộc sống thực thì mong muốn trí thức chúng ta thực sự đi đầu trong đổi mới và thực sự là người lao động sản xuất trực tiếp theo đúng nghĩa của kinh tế tri thức.
Việc sản sinh ra tri thức khoa học là chức năng của trí thức. Cho dù hệ thống sản sinh tri thức ngày càng được phân bổ rộng rãi ở nhiều chốn, nhiều nơi, nhiều lĩnh vực lao động và nhiều người khác nhau, song phải khẳng định rằng, cơ sở để sản sinh ra trí thức là công việc nghiên cứu khoa học. Nói như vậy cũng tức là khẳng định rằng, công nhân và nông dân không lấy chức năng này làm chính. Nếu trong sản xuất, công nhân và nông dân tham gia vào quá trình nghiên cứu nào đấy thì không có nghĩa là họ trở thành nhà khoa học, mà họ sẽ chủ yếu ứng dụng tri thức mới vào sản xuất, vào cải tiến công cụ và đổi mới phương pháp làm việc. Chúng ta yêu cầu các nhà trí thức có nhiệm vụ hướng dẫn, tổ chức quần chúng tiến quân mạnh mẽ vào khoa học và công nghệ chứ chúng ta không yêu cầu công, nông trở thành nhà khoa học, lấy nghiên cứu làm nhiệm vụ chính của mình.
Ở những quốc gia có điều kiện hơn, trong quá trình đi vào kinh tế tri thức, ta thường bắt gặp xu thế gia tăng vốn vô hình, trong đó có 2 phần quan trọng: a)giáo dục -đào tạo, nghiên cứu – phát triển, thông tin và điều phối… nhằm tăng năng lực sản sinh và chuyển giao tri thức; b)chi phí cho sức khoẻ để nâng cao năng lực thể chất với tư cách là một phần quan trọng của vốn con người (hay tư bản người). Nhiều công trình của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OCDE) cho thấy có không ít nước đã có mức đầu tư ổn định và khá cao cho nghiên cứu – phát triển, giáo dục và đào tạo. Chính vì vậy mà họ đạt được mức tăng trưởng kinh tế nhanh và bền. Nói tóm lại, coi trọng khoa học và công nghệ và từ đó suy ra rằng, coi trọng việc đầu tư cho đội ngũ trí thức, là thái độ của một nền kinh tế hiện đại. Thực ra, ông cha ta cũng nhận thức được điều này từ lâu, chẳng hạn, Lê Quý Đôn cũng đã từng nói rằng “Phi trí bất hưng” hàng mấy trăm năm rồi.
Ở Mỹ, có một công trình nghiên cứu đưa ra kết quả khá thú vị: người ta tính lượng GDP được tạo ra do những người lao động có trình độ giáo dục tương ứng với số năm đi học là 10,5; 12,5 và 14 năm. Kết quả cho thấy nhóm thứ 3 đã tạo ra hơn 50% GDP. ở Nga, cũng có một công trình tương tự; những người có trình độ cao đẳng trở lên chỉ chiếm 25% tổng số người làm việc, nhưng lại tạo ra 56% GDP.
Những số liệu trên đây cho chúng ta thấy rõ một vấn đề: vốn con người trong xã hội cần được tăng lên, song phải rất quan tâm đến việc tạo ra đội ngũ lao động trí tuệ có trình độ cao, bởi đó là lực lượng mang lại nguồn thu nhập lớn nhất trong tổng thu nhập quốc nội. Đội ngũ lao động trí tuệ ấy chính là những trí thức mà các trường đại học là nơi đã đào tạo ra họ. Vấn đề bây giờ là, xem xét khả năng của hệ thống đại học do chúng ta xây dựng ra sao.
Có một điều cần phải thừa nhận rằng, một ngành nào đó muốn sáng tạo tri thức thật nhanh chóng thì trong ngành đó, giữa khoa học và công nghệ có sự tương tác chặt chẽ và mạnh mẽ. Giữa ý tưởng với ứng dụng phải có thực nghiệm để kiểm soát những tiến bộ công nghệ từ đó dẫn đến những cải tiến thiết bị khoa học, các phương pháp thực nghiệm được hoàn thiện hơn. Do đó, giữa khoa học và công nghệ có mối quan hệ rất khăng khít.
Một trong những vấn đề đi vào kinh tế tri thức là đầu tư cho nghiên cứu-phát triển. Nếu xem xét tỉ trọng đầu tư cho nghiên cứu phát triển từ GDP tính theo phần trăm thì Việt Nam không thua hoặc còn hơn một số nước hoặc lãnh thổ, ví dụ tỉ trọng ấy ở Việt Nam là 0,23; trong khi đó, ở Hồng Kông là 0,253; Malaysia là 0,1999; song về con số tuyệt đối thì GDP của họ lớn hơn nhiều so với ta nên nguồn đầu tư cho nghiên cứu phát triển cũng lớn hơn nhiều. Ví dụ, năm 1999, GDP của Hồng Kông là: 158,6 tỷ USD, Malaysia là 78,9 tỷ USD, còn Việt Nam chỉ là 30 tỷ. Tính ra, ngân sách của họ đầu tư vào nghiên cứu phát triển lớn hơn chúng ta là điều chắc chắn. Song, nếu so với những nước phát triển thì có thể nói còn rất lâu chúng ta mới bằng họ (GDP của Mỹ năm 1999 là 9248,5 tỷ USD; tỷ trọng đầu tư phát triển/GDP của họ là 2,679%. Con số tương ứng ở Nhật Bản là 4.367, 7 tỷ USD và 2,913%; Đức là: 2.091 tỷ USD và 2,313% v.v..).
Trong khi kinh tế tri thức chưa tác động đến đội ngũ trí thức chúng ta nhiều lắm thì thị trường sơ khai trong xã hội ta lại có những tác động tiêu cực đến công tác đào tạo và từ đó làm cho một bộ phận trí thức của chúng ta kém về chất lượng chuyên môn và đạo đức. Nạn học giả – chứng chỉ thật là điều nhức nhối hiện nay. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành kiểm ra một số lớp học tại chức tại 12 tỉnh, thành (Nghệ An, Hải Phòng, Thanh Hoá, Hà Nội, Hà Tây, Nam Định, Đà Nẵng, Ninh Bình, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Thái Nguyên), trong 4.514 văn bằng được kiểm tra đã phát hiện 422 văn bằng bất hợp pháp (chiếm tỉ lệ 9,3% số trường hợp được kiểm tra). Tỉ lệ ấy thật đáng để suy nghĩ. Đến hết năm 2002, đã có 1.067.049 văn bằng, chứng chỉ được kiểm tra và phát hiện 5.742 lượt người sử dụng văn bằng bất hợp pháp.
Ở nước ta, muốn đi vào kinh tế tri thức, trước hết phải chuẩn bị đội ngũ trí thức được đào tạo thật bài bản. Hình như hệ thống giáo dục của chúng ta chưa nghĩ đến điều này và cứ đào tạo trí thức theo ý chủ quan của mình, không quan tâm đến xu thế phát triển kinh tế tri thức. Tôi nói điều này khi liên hệ tới những nhận xét được đưa ra trong bản tin: “Kinh tế tri thức và xã hội tri thức” số 11/2002. Trong bản tin này, người ta cho rằng, nền kinh tế tri thức xuất hiện khi có một tập hợp người cùng tạo ra các tri thức mới một cách mạnh mẽ bằng công nghệ thông tin. Tập hợp người đó được gọi là cộng đồng tri thức với 3 hợp phần:
– Sản sinh và tái tạo tri thức;
– Tạo ra không gian, trao đổi và giao lưu trí thức;
– Vận dụng công nghệ thông tin để điều hòa và chuyển giao tri thức mới.
Có một nhận xét đáng chú ý: Cộng đồng thầy thuốc đã bắt đầu chuyển sang kinh tế tri thức; trong cộng đồng này, các thành viên thông báo và sử dụng các tri thức mới, tận dụng rộng rãi các cơ sở dữ liệu điện tử do từng người truy cập ngay từ nơi làm việc của mình, từng người tìm tòi và nuôi dưỡng nguồn tri thức chung.
Trong khi đó, cộng đồng nhà giáo vẫn đứng ngoài kinh tế tri thức. Những tìm kiếm các giải pháp mới cho các vấn đề sư phạm tuy sôi động nhưng lại không được phổ biến giữa các thành viên. Xem ra, trường học thích ứng chậm với những yêu cầu của kinh tế tri thức và do vậy, vấn đề đào tạo có thể bảo thủ trước sự chuyển đổi kinh tế công nghiệp sang kinh tế tri thức.
Vì thế, một cuộc cách mạng về chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo là rất cần thiết, nếu không thì khó có thể đào tạo đón đầu kinh tế tri thức trong một số năm tới.
Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với phát triển kinh tế tri thức
Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với phát triển kinh tế tri thức
Đối với nước ta, một nước nông nghiệp lạc hậu đi lên CNXH bỏ qua chế độ TBCN, cái thiếu nhất là cơ sở vật chất – kỹ thuật của một nền sản xuất hiện đại. Vì thế Đảng ta xác định công nghiệp hoá (CNH) là nhiệm vụ trung tâm của suốt thời kỳ quá độ.
Sau 10 năm đổi mới, tại Đại hội toàn quốc lần thứ VIII, Đảng khẳng định rằng, nước ta đã chuyển sang thời kỳ mới – thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá (CNH, HĐH) đất nước. Mục tiêu của CNH, HĐH là xây dựng nước ta thành một nước công nghiệp có cơ sở vật chất – kỹ thuật hiện đại”. Đến năm 2020, ra sức phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp”. Đại hội IX lại nhấn mạnh “đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
CNH là bước đi tất yếu của tất cả các nước trong quá trình tiến lên hiện đại. Trên phạm vi toàn thế giới, CNH đã bắt đầu từ gần hai thế kỷ, lực lượng sản xuất xã hội đã phát triển vượt bậc, của cải xã hội tăng gấp hàng trăm lần, đem lại sự giàu có, cường thịnh cho nhiều quốc gia; nhưng đồng thời cũng để lại nhiều hậu quả trên phạm vi toàn cầu: tài nguyên cạn kiệt, môi trường suy thoái, gia tăng nhanh khoảng cách giàu-nghèo và bất công xã hội, nhiều giá trị văn hóa, đạo đức bị mất đi… Rõ ràng, không thể tiếp tục con đường CNH như trước đây được nữa mà phải điều chỉnh chiến lược, vận dụng tối đa công nghệ mới, tri thức mới, giảm thiểu tiêu hao nguyên liệu, cơ cấu lại công nghiệp, chuyển hướng sang CNH sinh thái, nhằm bảo vệ “ngôi nhà chung” của nhân loại. CNH theo kiểu cổ điển không còn phù hợp nữa; và nhân loại đang bước vào thời kỳ “hậu công nghiệp” mà thực chất là một thời kỳ phát triển mới, từ dựa vào tài nguyên thiên nhiên chuyển sang dựa nhiều hơn vào nguồn lực trí tuệ con người. Xã hội công nghiệp đang chuyển lên xã hội tri thức. Tiền đề cho bước phát triển nhảy vọt đó là do chính CNH trong các nước TBCN tạo ra, đó là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ.
Sự phát triển kỳ diệu của khoa học và công nghệ, đặc biệt là cách mạng thông tin, cách mạng tri thức, đã cho ra đời các công nghệ cao, như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nanô; các công nghệ này hội tụ với nhau tạo thành nền tảng cho một hệ thống công nghệ mới của thế kỷ 21, công nghệ của nền kinh tế tri thức. Hệ thống công nghệ mới ấy đang làm biến đổi sâu sắc các quá trình sản xuất, cách thức sản xuất, kinh doanh và mọi lĩnh vực của đời sống xã hội loài người, làm cho nền kinh tế tri thức toàn cầu đang hình thành trên thực tế.
“Nền kinh tế tri thức là nền kinh tế sử dụng có hiệu quả tri thức cho phát triển kinh tế và xã hội, bao gồm cả việc khai thác kho tri thức toàn cầu, cũng như làm chủ và sáng tạo tri thức cho những nhu cầu của riêng mình”1. Trong nền kinh tế công nghiệp, việc tạo ra giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh chủ yếu là dựa vào sự tối ưu hoá, hoàn thiện cái đã có; còn trong kinh tế tri thức thì tạo ra giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh chủ yếu là do tìm ra cái chưa biết; cái chưa biết là cái có giá trị nhất. Tìm ra cái chưa biết, tạo ra cái mới cũng tức là loại trừ cái đã biết. Vòng đời của một sản phẩm, một công nghệ từ lúc nảy sinh, phát triển, chín muồi đến tiêu vong ngày càng rút ngắn. Tốc độ đổi mới rất nhanh chóng. Nền kinh tế tri thức hình thành và phát triển là nhờ năng lực sáng tạo của con người, năng lực tạo ra tri thức mới và vận dụng tri thức, biến tri thức thành của cải, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển con người và phát triển xã hội. Sáng tạo và đổi mới là động lực của sự phát triển kinh tế-xã hội, là nguồn gốc của nền kinh tế tri thức ngày nay. Tài nguyên là có hạn, năng lực sáng tạo của con người là vô hạn; một khi nền kinh tế dựa chủ yếu vào năng lực trí tuệ của con người, thì khả năng của nền kinh tế là hết sức to lớn. Các nước phát triển đi tới kinh tế tri thức là một quá trình tự nhiên hợp qui luật; các nước đi sau ý thức được sự vượt trội của kinh tế tri thức so với kinh tế công nghiệp, đã chủ động đề ra chiến lược, chính sách, giải pháp để phát triển kinh tế tri thức ngay trong quá trình CNH. Phát triển kinh tế tri thức là xu thế phát triển tất yếu khách quan, lôi cuốn tất cả các quốc gia, không loại trừ ai. Kinh tế tri thức đang tạo ra những điều kiện và khả năng mới để Việt Nam rút ngắn quá trình CNH, HĐH đất nước.
Trong bối cảnh quốc tế mới, Việt Nam có thể bỏ qua các thế hệ công nghệ trung gian để đi thẳng vào các công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, nhằm phát triển nhanh nền kinh tế, sớm bắt kịp xu thế chung của kinh tế thế giới. Đó là lợi thế các nước đi sau, là thời cơ lớn không thể bỏ lỡ. Biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chúng ta nhất định chiến thắng được nghèo nàn, lạc hậu như đã từng chiến thắng giặc ngoại xâm. Thực hiện CNH, HĐH rút ngắn là bắt buộc đối với chúng ta, nếu muốn đuổi kịp các nước trong khu vực và trên thế giới.
Khả năng của con người Việt Nam nắm bắt và vận dụng công nghệ mới, tri thức mới của thế giới cho sự phát triển của đất nước mình là khả quan hơn nhiều nước có cùng trình độ kinh tế. Trí tuệ sáng tạo, sự năng động của các chủ thể kinh tế, nhất là ở khu vực kinh tế tư nhân, ngày càng thể hiện tiềm năng to lớn, sự bứt phá vươn lên. Đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế phát triển dựa vào tri thức ở nước ta. Yếu tố cơ bản đưa đến thành công của các mô hình này là: đã biết nắm bắt và sử dụng tri thức mới nhất trong hoạch định chiến lược kinh doanh, lựa chọn công nghệ, tạo sản phẩm mới, cách tổ chức sản xuất kinh doanh mới có hiệu quả, tạo được sự bứt phá mà bằng các con đường phát triển truyền thống không thể đạt được. Điều đó cũng chứng minh rằng chính sách chuyển sang nền kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế thế giới, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân… là rất đúng đắn, đó là những động lực to lớn cho phát triển mọi năng lực sáng tạo.
Báo cáo chính trị tại Đại hội X của Đảng đã chỉ ra: “Tranh thủ cơ hội thuận lợi do bối cảnh quốc tế tạo ra và tiềm năng, lợi thế của nước ta để rút ngắn quá trình CNH, HĐH đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa gắn với phát triển kinh tế tri thức, coi kinh tế tri thức là yếu tố quan trọng của nền kinh tế và CNH, HĐH”2. Phát triển kinh tế tri thức ở nước ta không có nghĩa là chuyển ngay sang các ngành công nghệ cao để có cơ cấu kinh tế như các nước phát triển đã đạt tới, mà thực thi chiến lược phát triển dựa vào tri thức, thực chất là vận dụng tri thức mới vào tất cả các lĩnh vực, các ngành kinh tế, làm tăng nhanh giá trị gia tăng; giảm tiêu hao nguyên liệu và lao động; tăng hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm; dịch chuyển nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng HĐH, sớm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Theo đó, mục tiêu năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại được hiểu là nền kinh tế tri thức đã bắt đầu hình thành, có nền công nghệ tiên tiến, tốc độ tăng trưởng hai con số, giá trị do tri thức tạo ra trong GDP chiếm khoảng 40-50%, công nhân tri thức chiếm trên 30% lực lượng lao động, đã hình thành xã hội thông tin, xã hội học tập, có nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, an ninh – quốc phòng vững mạnh.
Mô hình phát triển của Việt Nam là tiến hành đồng thời và lồng ghép nhau hai quá trình: chuyển từ kinh tế nông nghiệp sang kinh tế công nghiệp và từ kinh tế công nghiệp lên kinh tế tri thức, trong khi đối với các nước đi trước đó là hai quá trình kế tiếp nhau. Nền kinh tế Việt Nam đi theo mô hình kinh tế hai tốc độ, kết hợp các bước đi tuần tự với các bước phát triển nhảy vọt. Một mặt tận dụng lao động, cơ sở vật chất hiện có, sử dụng tri thức mới, công nghệ mới để phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập. Mặt khác, đi thẳng vào hiện đại ở những khâu, những lĩnh vực, những ngành có lợi thế, phát triển các ngành, các vùng kinh tế mũi nhọn tạo thành đầu tàu có sức kéo mạnh toàn bộ nền kinh tế.
Nhiệm vụ trung tâm là sử dụng tri thức mới của thời đại kết hợp với sáng tạo tri thức mới để nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh các ngành công nghiệp và dịch vụ hàm lượng tri thức cao, giá trị gia tăng cao trên cả ba hướng: tăng cường sử dụng tri thức để đẩy nhanh CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn; đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin trong các ngành công nghiệp và dịch vụ truyền thống; tập trung sức để phát triển nhanh có chọn lọc các ngành kinh tế dựa vào công nghệ cao.
Để có thể phát triển kinh tế tri thức ở nước ta, phải cấp thiết tiến hành một cuộc đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, sâu sắc hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực:
1- Đổi mới căn bản cách thức phát triển kinh tế: Chuyển đổi triệt để từ kinh tế tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường, từ kinh tế hiện vật sang kinh tế giá trị, từ dựa chủ yếu vào nguồn lực vật chất sang dựa chủ yếu vào nguồn lực trí tuệ, chuyển trọng tâm đầu tư từ đầu tư hữu hình sang đầu tư vô hình. Coi tri thức là nguồn vốn quan trọng nhất.
2- Đổi mới thể chế, chính sách, tổ chức quản lý: Tạo môi trường kinh doanh sôi động, thúc đẩy sự cạnh tranh. Chính sách, pháp luật rõ ràng, công khai, minh bạch, thúc đẩy dân chủ, khuyến khích mạnh mẽ các khả năng sáng tạo. Vai trò của Nhà nước chuyển từ chức năng điều khiển, chỉ huy sang chức năng kiến trúc sư của nền kinh tế tri thức, định hướng phát triển, tạo môi trường thuận lợi và động viên mọi người, mọi lực lượng phát huy năng lực sáng tạo xây dựng nền kinh tế tri thức. Thể chế chính sách phải nhằm tạo lập một không gian (môi trường) thuận lợi cho các quá trình đổi mới, thúc đẩy hình thành hệ thống đổi mới quốc gia hữu hiệu. Đó là điều kiện để tiến nhanh vào kinh tế tri thức.
3- Cải cách triệt để nền giáo dục, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao – yếu tố quyết định sự thành công của chiến lược phát triển kinh tế tri thức.
Trong nền kinh tế tri thức, con người phải biết tự đào tạo, luôn tiếp thu tri thức mới, có năng lực sáng tạo, thường xuyên đổi mới cách nghĩ, cách làm, luôn thích nghi với sự phát triển. Giáo dục, đào tạo có ý nghĩa vô cùng quan trọng – sản xuất vốn tri thức.
Nhà nước phải có chính sách trọng dụng nhân tài, thực sự coi “hiền tài là nguyên khí quốc gia”, tạo điều kiện làm việc thuận lợi, phát huy năng lực của những cán bộ giỏi, đầu đàn trong các lĩnh vực khoa học-công nghệ, quản lý kinh doanh, văn học-nghệ thuật…
Nhiệm vụ cấp bách là tiến hành ngay một cuộc cách mạng toàn diện trong giáo dục: cải cách triệt để, sâu sắc cả về mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học, hệ thống giáo dục, phương thức tổ chức quản lý giáo dục – đào tạo. Chuyển trọng tâm của giáo dục từ trang bị kiến thức sang bồi dưỡng, rèn luyện phương pháp tư duy, phương pháp giải quyết vấn đề, năng lực sáng tạo, khả năng tự đào tạo, thích nghi sự phát triển.
Chuyển từ mô hình giáo dục truyền thống sang mô hình giáo dục mới: hệ thống học tập suốt đời, phát triển nghề nghiệp liên tục.
4- Tăng cường năng lực khoa học và công nghệ quốc gia, thiết lập hệ thống đổi mới quốc gia hữu hiệu – động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế tri thức.
Chú trọng đặc biệt năng lực nghiên cứu cơ bản để tiếp thu, làm chủ và sáng tạo công nghệ mới. Đồng thời, đổi mới cơ chế quản lý kinh tế và quản lý khoa học – công nghệ, phát triển mạnh thị trường khoa học- công nghệ, thiết lập hệ thống đổi mới quốc gia hữu hiệu. Hệ thống đổi mới quốc gia bao gồm các thiết chế, các hệ thống tổ chức ở tầm quốc gia nhằm gắn bó chặt chẽ khoa học với sản xuất, thúc đẩy việc tạo ra và ứng dụng nhanh chóng các kết quả nghiên cứu sáng tạo để đổi mới sản xuất, phát triển kinh tế. Hiện nay, ở các nước phát triển, quan hệ khoa học – sản xuất đang chuyển từ mô hình tuyến tính sang mô hình tác động qua lại giữa nhiều yếu tố. Trong hệ thống đổi mới quốc gia theo mô hình tương tác, các yếu tố nghiên cứu triển khai, nỗ lực đổi mới, phân tích thị trường, đa dạng hoá sản phẩm, nâng cao kỹ năng công nhân… gắn bó nhau, tác động qua lại lẫn nhau.
5- Phát triển và ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội – động lực mạnh mẽ thúc đẩy đổi mới và phát triển, tiến vào kinh tế tri thức.
Công nghệ thông tin là chìa khoá để đi vào kinh tế tri thức. ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin sẽ góp phần giải phóng sức mạnh vật chất, trí tuệ và tinh thần của toàn dân tộc, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển hệ thống đổi mới, phát triển nhanh và HĐH các ngành kinh tế, tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, hỗ trợ hữu hiệu quá trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, đảm bảo an ninh, quốc phòng, tạo khả năng đi tắt đón đầu để thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH gắn với phát triển kinh tế tri thức.
GS, VS. Đặng Hữu
1- Theo UNDP-APDIP.
2- ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H, 2006, tr.87.
Tìm hiểu về nền kinh tế tri thức ( Phần 1)
Đây là cuộc tọa đàm khoa học đầu tiên của Hội KHKT Phường Khương Mai
Phát biểu đề dẫn
Sự phát triển có tính bùng nổ của lực lượng sản xuất những năm gần đây dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật hiện đại đã làm biến đổi sâu sắc nền kinh tế thế giới, tạo ra một bước ngoặt mới trong lịch sử phát triển của loài người, hình thành nền kinh tế tri thức. Đối với nước ta, đây là một thách thức to lớn, song cũng có thể là cơ hội ngàn năm có một để vươn lên mạnh mẽ nếu chúng ta biết chớp lấy thời cơ.
1. Quá trình hình thành nền kinh tế tri thức
Từ khi có lịch sử loài người đến nay, kinh tế luôn đi cùng tri thức, luôn có mối quan hệ mật thiết giữa phát triển kinh tế với tri thức khoa học và khoa học kĩ thuật.
Nghiên cứu khoa học thời cổ rất đơn giản, nghiên cứu và sản xuất gắn liền với nhau. 4000 năm trước công nguyên, người Ai Cập bắt đầu canh tác bên bờ sông Nin, đây là kĩ thuật nông nghiệp sớm nhất. 2000 năm trước công nguyên, người Babylon đã phát minh ra kĩ thuật luyện thép và phát minh ra ngành chế tạo công cụ nông nghiệp, trở thành trụ cột của ngành sản xuất nông nghiệp. Trong mấy nghìn năm của nền kinh tế nông nghiệp, khoa học kĩ thuật chưa phát triển, vốn tri thức của con người còn ít, giáo dục chỉ dành cho một số ít người, đại đa số nhân dân mù chữ. Ý nghĩa tri thức trong thời kỳ này như Khổng giáo định nghĩa : “Tri thức là biết được những gì cần nói và làm thế nào để nói chúng” nghĩa là “học để biết” và “học để nói”.
Từ thế kỷ XVII có sự chuyển biến mạnh mẽ từ kĩ năng sang công nghệ. Năm 1765 J.Hargreaves người Anh phát minh ra máy dệt và dần phát triển thành nghề dệt. Năm 1778 L.de Morvean người Pháp đã thành lập một nhà máy chế tạo chất kiềm công nghiệp mở đầu cho ngành công nghiệp hóa chất. Năm 1784 J.Watt người Anh đã hoàn thành việc phát minh máy hơi nước đặt nền móng cho ngành công nghiệp xe hơi. Năm 1797 H.Maudsley người Anh phát minh ra chiếc máy tiện đầu tiên, dần phát triển thành ngành chế tạo máy móc v..v… Những phát minh đó đã mở ra cuộc cách mạng kĩ thuật lần thứ nhất : Cuộc cách mạng công nghiệp. Sản xuất chuyển từ sản xuất dựa trên thủ công sang dựa trên máy móc. Tri thức được áp dụng cho các công cụ sản xuất, phương pháp sản xuất và sản phẩm, giáo dục phổ cập rộng rãi hơn trong dân chúng. Nhưng để có được các kĩ năng sản xuất cần thiết, người công nhân phải qua mấy chục năm rèn luyện.
Năm 1881 Taylor đã lần đầu tiên áp dụng tri thức vào công việc để tối đa hiệu quả của phương pháp sản xuất và đã mở ra cuộc cách mạng năng xuất trong suốt 75 năm. Tri thức được áp dụng cho tổ chức lao động. Tác động lớn nhất của Taylor là lĩnh vực đào tạo. Dựa vào phương phápTaylor có thể đào tạo ra những công nhân có tay nghề xuất sắc chỉ trong mấy tháng.
Trong giai đoạn kinh tế tài nguyên, phát triển kinh tế chủ yếu quyết định bởi sự chiếm hữu và phân phối tài nguyên thiên nhiên. Cách mạng kĩ thuật phát triển mạnh mẽ, năng xuất lao động được nâng cao rõ rệt. Trong giai đoạn này đã xuất hiện sự phân công tách rời lao động thương nghệp và lao động sản xuất. Sự hình thành thị trường thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của kinh tế tài nguyên. Tuy nhiên, tư tưởng chỉ đạo của phát minh kĩ thuật công nghiệp truyền thống là tận dụng hết khả năng lợi dụng tài nguyên thiên nhiên để dành lấy lợi nhuận cao nhất, không đếm xỉa đến lợi ích môi trường, lợi ích sinh thái và lợi ích xã hội. Kết quả đã đưa thế giới đứng trước nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, môi trường ô nhiễm, sinh thái thoái hóa và nền kinh tế tài nguyên phát triển không bền vững. Vấn đề nghiêm trọng đặt ra cho nhân loại hiện nay là làm thế nào để có thể sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên có hạn hiện có, nếu không, khủng khoảng tài nguyên sản xuất sẽ ảnh hưởng tới kinh tế – xã hội toàn cầu. Viện sĩ Va-xi-li Mi-xin, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tên lửa vũ trụ của Liên Xô (trước đây) đã cảnh cáo : “Cần phải biết nhìn thẳng vào sự thật : Nhân loại đang mở hết tốc lực tiến đến sự diệt vong của mình. Và nếu như nhân loại không tỉnh ngộ, thì thế kỉ XXI có thể trở thành thế kỉ cuối cùng của loài người”.
Năm 1946 đã xuất hiện chiếc máy tính điện tử hiện đại đầu tiên trên thế giới, cùng với sự ra đời của điều khiển học, lý thuyết hệ thống và lý thuyết thông tin đã tạo ra sự chuyển biến có tính chất cách mạng trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Khác với hai cuộc cách mạng công nghiệp trước, cuộc cách mạng công nghệ mới ở cuối thế kỷ 20 không chỉ góp phần nâng cao năng lực có hạn của cơ bắp, nối dài cánh tay và các giác quan của con người, mà còn tạo ra được các phương tiện nâng cao năng lực tư duy vượt qua các giới hạn sinh lực của côn người.
Từ những năm 1970 trở lại đây, tiến bộ khoa học kĩ thuật dần dần trở thành nhân tố quyết định sự phát triển của kinh tế. Nhân loại đang bước vào một thời đại kinh tế mới lấy việc chi phối, chiếm hữu nguồn tài nguyên trí lực và lấy việc sử dụng, phân phối, sản xuất tri thức làm nhân tố chủ yếu. Tri thức trở thành một nhân tố sản xuất quan trọng nhất, đẩy vai trò của đất đai, tài nguyên thiên nhiên, vốn, lao động xuống hàng thứ hai. Tri thức ngày nay đã có sự biến đổi về ý nghĩa, tri thức theo kiểu truyền thống là một thứ chung chung. Còn tri thức bây giờ là những kiến thức cần thiết cực kỳ chuyên sâu. Tổ chức hợp tác phát triển kinh tế thế giới đã đưa ra khái niệm định nghĩa tri thức bằng “ 6 chữ W” trong tiếng Anh :
– Biết cái gì (Know – what) là loại tri thức về sự kiện.
– Biết tại sao (Know – why) là tri thức về thế giới tự nhiên, xã hội và suy nghĩ của con người.
– Biết ai đó (Know – who) là về thế giới của các quan hệ xã hội, và là tri thức về ai biết cái gì và ai có thể làm được những cái gì.
– Biết ở đâu và biết khi nào (Know – where và Know – when) đang ngày càng quan trọng trong nền kinh tế linh hoạt và năng động.
– Biết cách làm ( Know – how) là về công nghệ và kĩ năng, khả năng thực hiện công việc ở mức độ thực hành.
Tri thức đã trở thành một dạng cơ bản của tư bản, tăng trưởng kinh tế được dẫn dắt
bởi tích tụ tri thức. Ngày nay các nền kinh tế tiên tiến nhất về công nghệ đã hoàn toàn dựa trên tri thức.
Nền kinh tế tri thức đã thực sự trở thành mục tiêu then chốt trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của nhiều quốc gia và cũng đang trở thành tiêu điểm quan tâm của quảng đại quần chúng. Kinh tế tri thức lấy công nghệ kĩ thuật cao làm lực lượng sản xuất thứ nhất, lấy trí lực ( năng lực trí tuệ) làm chỗ dựa chủ yếu. Công nghệ kĩ thuật cao cần tri thức, trí lực, nếu không có nhiều thông tin, tri thức, trí lực thì nó không phải là kĩ thuật cao. Tư tưởng chỉ đạo của phát minh kĩ thuật cao là lợi dụng nguồn tài nguyên hiện có một cách khoa học, hợp lý, tổng hợp và hiệu xuất cao. Đồng thời khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên chưa được khai thác để thay thế cho nguồn tài nguyên thiên nhiên khan hiếm đã gần cạn kiệt. Kinh tế tri thức là kinh tế thúc đẩy điều hòa giữa con người và thiên nhiên nên phát triển bền vững.
Ngày nay ngoài các ngành truyền thống, trong nền kinh tế thế giới đang hình thành và phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp mới mà nguyên liệu đầu vào chủ yếu là thông tin và tri thức, với tốc độ tăng trưởng cao gấp nhiều lần so với phát triển kinh tế nói chung. Đã xuất hiện hiện tượng thần kỳ về phát triển kinh tế chưa từng thấy trong lịch sử, vượt xa sự phỏng đoán của hầu hết các chuyên gia tầm cỡ thế giới cũng như sức tưởng tượng và hình dung của con người dựa vào những kinh nghiệm trong quá khứ. Nền kinh tế thế giới đang chuyển từ kinh tế công nghiệp sang kinh tế tri thức, nền văn minh loài người chuyển từ văn minh công nghiệp sang văn minh trí tuệ.
Một nước có thể được gọi là nền kinh tế tri thức khi :
– Có hơn 70% GDP đóng góp do ngành kinh tế tri thức
– Cơ cấu giá trị gia tăng có trên 70% giá trị do lao động trí óc mang lại.
– Cơ cấu lao động có hơn 70% là công nhân trí thức
– Cơ cấu tư bản trên 70% là tư bản con người.
Theo đánh giá của LHQ thì đầu thế kỷ XXI có khoảng 20 nước sẽ tiến vào nền kinh
tế tri thức. Năm 1996 tổ chức hợp tác kinh tế và phát triển ( OECD) đánh giá những nước có nền kinh tế tri thức mạnh nhất lúc đó là : Nước Đức có ngành kinh tế tri thức chiếm 58,6% tổng sản phẩm xã hội, Singapore 57,3%, Mỹ 55,3%, Nhật 53%, Canada 51%, Úc 48% …..
Các ngành kinh tế tri thức là các ngành sản xuất và dịch vụ mới do công nghệ cao
tạo ra :
1. Các dịch vụ khoa học công nghệ cao như tin học, ngân hàng, thương mại, giáo dục, v…v…
2. Công nghệ thông tin
3. Công nghệ sinh học hiện đại
Đây là ngành công nghệ có tiềm năng lớn lao, nhiều hứa hẹn nhất trong thế kỷ XXI.
Nhà bác học Rô bớt Culơ, giải thưởng Nôben năm 1996 đã tiên đoán : “Nếu thế kỷ XX là thế kỷ của vật lý và hóa học thì thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ của sinh học”
Công nghệ sinh học hiện đại chủ yếu bao gồm bốn bộ phận lớn là kỹ thuật lên men, kỹ thuật chất xúc tác, kỹ thuật tế bào và kỹ thuật gien. Gần đây lại có người đề xuất kỹ thuật protein là bộ phận thứ năm.
a. Khoa học kỹ thuật lên men chính là việc nghiên cứu vi khuẩn lên men để thực
hiện sản xuất công nghiệp hóa các sản phẩm lên men như rượu, dấm, xì dầu, pho mát, …
b. Kỹ thuật chất xúc tác chính là nghiên cứu dùng men để xúc tác, nó được ứng
dụng trong ngành chế biến thực phẩm, công nghiệp nhẹ và y dược.
c. Khoa học kỹ thuật tế bào nghiên cứu tế bào để ứng dụng vào các lĩnh vực sau :
+ Kỹ thuật nông nghiệp: Giống động thực vật mới chứa nhiều dinh dưỡng, có sản
lượng cao và kháng bệnh tốt.
+ Kỹ thuật vật liệu mới: Thông qua kỹ thuật tế bào sản xuất nhựa hỗn hợp có tính năng cao, có chứa vi sinh vật thì cường độ nâng lên rất nhiều.
+ Kỹ thuật bảo vệ môi trường: Dùng máy truyền cảm vi khuẩn để đo chất độc có trong nước, thay thế việc tẩy trắng bột giấy bằng tác dụng của vi khuẩn, dùng vi khuẩn để phân giải, xử lý rác thải và nước bẩn, xử lý nước bẩn bị nhiễm dầu, dùng vi khuẩn loại trừ các chất thải phóng xạ v..v…
d. Kỹ thuật gien
Gien là vật dẫn nhỏ nhất quyết định đặc tính di truyền của sinh vật. Việc giải mã thông tin di truyền được coi là nhân tố quyết định trong cuộc cạnh tranh về công nghệ sinh học trong thế kỷ XXI. Các nhà khoa học Mỹ và các nước đã giải mã được trên 90% bộ gien người và đến năm 2003 dự án giải mã bộ gien đơn bội con người có chừng 100.000 gien với 3 tỷ nucleotit nhiễm sắc thể sẽ được hoàn tất. Các nhà khoa học Nhật Bản đã giải mã được trên 80% bộ gien lúa nước và các cây lương thực, Nhật Bản hy vọng sẽ trở thành nước xuất khẩu lương thực. Thành công của dự án tổ hợp gien lúa nước và công nghệ gien nói chung sẽ dẫn tới một cuộc cách mạng xanh mới trong nông nghiệp, qua đó giải quyết cơ bản vấn đề lương thực của loài người. Đến năm 2010 các nhà khoa học sẽ có những bản đồ gien đầy đủ cho các loài sinh vật từ loài giun đến cây cỏ, từ chuột đến con người. Những bản đồ gien này được coi như bảng tuần hoàn các nguyên tố trong ngành hóa họa, có những phạm vi ứng dụng vô cùng to lớn, không chỉ trong ngành sinh vật như cải tạo giống cây, vật nuôi, sản xuất dược phẩm, thuốc chữa bệnh hiểm nghèo, tăng tuổi thọ con người v..v… mà còn vận dụng vào các lĩnh vực khác dựa trên việc kết hợp công nghệ gien với tin học để giải thích nguồn gốc của con người trên cơ sở các siêu máy tính sinh – điện tử làm từ các phần tử ADN.
Trong nông nghiệp, một hướng lớn là tạo ra những cây lương thực lai thực vật – động vật, gọi là những cây biến nạp gien. Đến cuối thập kỷ 90 các nhà khoa học đã tạo ra được khoảng 700 cây lai động vật nhằm giảm sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu có hại và sản xuất nhiều lương thực giàu dinh dưỡng, dễ bảo quản và sinh trưởng ngắn ngày. Về y dược, trên thế giới có khoảng 5000 loại bệnh di truyền đã được biết, trong đó hiện nay có khoảng 300 loại đặc tính gien đã được phân tích, vì vậy những loại bệnh này đã được hạn chế và chữa trị. Sắp tới, con người cũng sẽ tìm được phương pháp phòng và trị bệnh ung thư, bệnh AIDS và hơn 4000 loại bệnh di truyền còn lại. Con người còn có thể chế máu nhân tạo và không còn phải lo lắng bị nhiễm bệnh do truyền máu. Sẽ bùng lên một cuộc cách mạng về y học lâm sàng.
4. Công nghệ vật liệu mới
Mục đích của công nghệ vật liệu mới là chế tạo vật liệu có tính năng đặc biệt chịu nhiệt độ siêu cao, chịu áp lực siêu cao, chịu cường độ siêu cao, truyền tải thông tin tốc độ cao và siêu dẫn dưới nhiệt độ thường. Vật liệu mới chủ yếu có :
a. Vật liệu kim loại mới như hợp kim phi tinh thể có đặc tính cao về tính dẻo, có từ tính, tính bền, có cường độ chống lực kéo v..v…
b. Vật liệu gốm sứ mới như gốm sứ tinh tế ( gốm Nami, Mao weimi) có nhiều đặc tính như bền, chịu nhiệt, cường độ cao, chống ăn mòn, không thấm nước. Chế tạo thành công động cơ bằng sứ không những giá thành thấp, tính năng được cải thiện mà còn có thể giảm ô nhiễm.
c. Vật liệu hỗn hợp (cao phân tử) như nhựa sợi các bon có tính năng cao. Nhựa sợi các bon có thể làm vỏ tàu, xe và vật liệu xây dựng.
d. Vật liệu phức hợp được tạo thành từ các hợp chất kim loại, sứ, màng sinh vật và cao phân tử v..v… được dùng vào hai mục đích là cường độ cao và đa chức năng, dùng cho máy bay và tên lửa.
e. Vật liệu điện tử quang như linh kiện phân tử, sẽ được lắp đặt bằng phương pháp phân tử để đạt được tính năng cao phục vụ cho máy tính quang điện thế hệ sau.
f. Vật liệu siêu dẫn ở nhiệt độ cao sẽ dẫn tới sự thay đổi mang tính cách mạng trong lĩnh vực năng lượng và điện tử.
5. Công nghệ năng lượng mới và năng lượng tái sinh
Sự thay đổi quan niệm về năng lượng là sự thay đổi cách nhìn từ chỗ coi trọng nguồn năng lượng tài nguyên sang coi trọng nguồn năng lượng kỹ thuật cao. Hiện nay công nghệ nguồn năng lượng mới và nguồn năng lượng tái sinh là một bộ phận hợp thành quan trọng của công nghệ kỹ thuật cao. Kỹ thuật cao là kỹ thuật sử dụng nguồn năng lượng truyền thống bằng phương pháp hoàn toàn mới, mà những nguồn năng lượng này lại có đặc tính có thể tái sinh. Nguồn năng lượng mới và nguồn năng lượng tái sinh hiện nay chủ yếu bao gồm năng lượng hạt nhân ( trong đó lại chia ra năng lượng phân tách và năng lượng tụ biến nhiệt hạch khống chế) năng lượng mặt trời, năng lượng thủy triều, năng lượng gió, năng lượng địa nhiệt và năng lượng sinh vật v..v…
– Năng lượng tụ biến nhiệt hạch khống chế (năng lượng hydro) dựa vào phản ứng
tụ biến nhiệt hạch trong điều kiện có thể khống chế về nhiệt độ và các điều kiện khác, sẽ từ các đồng vị deuteri (D) và Triteri (T) của hydro tạo ra nguyên tử Heli tương đối nặng và một năng lượng cực lớn sẽ được giải phóng ra. Ngày 5/1/1994 phòng thí nghiệm vật lý ion của trường đại học Puliston Mỹ đã ghi được kỷ lục tạo công xuất phát ra là 10,7 triệu oát, tỷ lệ công xuất phát ra và công xuất truyền vào là 28%. Đêm 31/10/1997 thiết bị thí nghiệm Jet của trung tâm nghiên cứu phản ứng nhiệt hạch khống chế của Châu Âu đã ghi được kỷ lục thế giới về phản ứng hạt nhân phát ra công suất 16,1 triệu oát, tỷ lệ công suất phát ra và công suất truyền vào đạt được 65%. Sang đầu thế kỷ 21 tỷ lệ công suất phát ra và công suất truyền vào sẽ vượt quá 100%. D và T có thể chiết xuất ra từ nước biển, nên một lít nước biển có thể thay thế được 300 lít xăng, vì thế nói “Nước biển biến thành xăng”. Phản ứng tụ biến nhiệt hạch không sinh ra ô nhiễm mang tính phóng xạ, vì vậy nó là nguồn năng lượng sạch.
– Năng lượng mặt trời
Hiện nay, kỹ thuật chuyển hóa năng lượng mặt trời không khó, nhưng giá thành đắt. Năm 1995 giá thành điện lấy từ năng lượng mặt trời ở Úc đạt mức 150 yên/Kwh, khi giá trị lấy từ năng lượng mặt trời hạ xuống còn 10 yên/Kwh thì có thể xảy ra cạnh tranh với nhiệt điện hoặc thủy điện. Theo dự đoán tương đối lạc quan, đến năm 2030 thì năng lượng mặt trời có thể đạt 20 ~ 30% tổng lượng điện phát trên toàn thế giới. Ngoài ra động cơ chạy bằng năng lượng mặt trời cũng đang chế thử, như vậy đây còn là nguồn năng lượng di động.
6. Công nghệ phỏng sinh học
Sẽ tạo ra các người máy thông minh, trí tuệ nhân tạo và các máy tính phỏng theo mô hình sinh vật cực nhỏ có khả năng tự thích nghi, tự sửa chữa, tự kiếm sống, thậm chí tự sinh sản, tự nhân lên như con người hay động vật khác. Những máy thông minh đó đang được đặt trực tiếp trong cơ thể con người để bổ xung những chức năng đã mất hay bị suy yếu. Chẳng hạn tới nay đã có tới 17.000 người đã được cấy loại máy tính cực nhỏ đó vào sọ não để cải tiến chức năng thính giác. Mới đây các nhà bác học ở Carolina Bắc đã dụng những tín hiệu của não một con khỉ để diều khiển cử động của một cánh tay người máy cách đó 100 km thông qua mạng Internet. Thành công này có thể tạo cơ sở cho việc chế tạo những thiết bị liên kết với não để giúp các bệnh nhân bị liệt có thể cử động được chân tay. Ngày 22/6/2000 các nhà khoa học Mỹ đã công bố một sáng chế mới, mở đầu cho máy tính thế hệ mới, có thể nhận biết khuôn mặt, giọng nói của người. Sáng chế này là một mạch điện tử bắt chước những chức năng của hệ thần kinh trung ương bộ não người.
Tới đây, khi con người chế tạo ra được một con chíp chứa tới hàng tỷ linh kiện thì lúc đó ranh giới giữa sinh vật và công nghệ số sẽ không còn cách biệt nhiều nữa.
7. Công nghệ siêu vi mô – hay công nghệ nano
Một nano mét bằng một phần tỷ của mét. Trong dân gian hay nói nhỏ như sợi tóc mà đường kính của sợi tóc là 100.000 nano mét, còn đường kính của một nguyên tử hydro chỉ vào khoảng 0,1 nano mét.
Công nghệ siêu vi mô là một ngành công nghệ chiến lược trong các thập niên đầu thế kỷ 21. Bằng chứng về tầm quan trọng của công nghệ siêu vi mô là các giải Nobel về vật lý và hóa học gần đây đều được trao cho các nhà khoa học có các phát minh then chốt trong lĩnh vực này. Như phát minh ra kính hiển vi với hiệu ứng đường hầm đã cho phép nhìn thấy riêng từng nguyên tử một. Phát minh ra kính hiển vi nguyên tử lực cho phép quan sát các tế bào sống với độ phân giải ở cấp phân tử. Các phát minh này tạo ra các thiết bị theo dõi quan sát và thao tác các vật thể ở cấp nguyên tử, phân tử. Vào đầu thập kỷ 90 các nhà khoa học đã tạo ra được những thiết bị cho phép nắm bắt, thả đi hay sắp xếp chất đống các nguyên tử hay phân tử, có nghĩa là có thể thao tác các vật liệu ở mức nguyên tử. Mới đây, các nhà khoa học Nhật, Pháp đã tuyên bố thành công trong chế tạo những ống siêu nhỏ bằng cacbon với đường kính nhỏ hơn sợi của phân tử ADN , tức là 0,4 nano mét. Có thể kéo những ống siêu nhỏ thành sợi có độ dài không hạn chế và vô cùng mềm dẻo, vô cùng dẻo dai. Trong ngành điện tử, mật độ và tốc độ xử lý của các vi mạch sẽ tăng vọt lên một cách chưa từng thấy. Các ngành hóa học, sinh học phân tử, khoa học công nghệ vật liệu v..v… sẽ có những đột biến vô cùng to lớn. Những thành tựu đó sẽ mở ra cho nhân loại hai cuộc cách mạng công nghiệp mới nữa, đó là :
– Chế tạo ở cấp phân tử: Ví dụ năm 1999 các nhà khoa học Nhật và Mỹ đều công
bố đã chế tạo được động cơ nano hay động cơ phân tử để lắp cho máy nạo vét mặt trong thành mạch máu cho các bệnh nhân bị sơ vữa động mạch, hay lắp cho máy bơm sinh học phân tử có thể cài cắm vào cơ thể con người để bơm các dược chất cần thiết đến bất kỳ nơi nào trong cơ thể bị tổn thương.
– Các máy sao chép (hay công nghiệp sản xuất đại trà ở quy mô nguyên tử) chỉ
cần khai thác một công nghệ duy nhất để chế tạo đủ mọi thứ bằng cách lắp ráp thay đổi, tổ chức lại từ thành phần cơ bản phân tử, thậm chí từ nguyên tử độc lập.
Thí dụ: từ cacbon thô, một chiếc máy nano có thể chế tác từng nguyên tử để cuối cùng tạo thành khối kim cương hoặc chiếc máy nano này sẽ lưu thông trong mạch máu truy tìm dấu vết và phá hủy cholesterol trên thành mạch máu. Trong những năm tới, các chuyên viên kỹ thuật nano có “tay” cực nhỏ dùng để lắp ráp các phân tử và lập trình vật chất để bộ não điện tử cực nhỏ giữ vai trò điều khiển thao tác. Máy móc nano sẽ được làm bằng phân tử cacsbon mang hình dáng như sợi tóc, nhỏ hơn sợi tóc người 50.000 lần và cứng hơn thép 100 lần. Để hoàn thành công việc phải cần rất nhiều chiếc máy nano: 1000 chiếc cho mỗi mạch máu, 1 triệu cho mỗi mét khối chất thải độc hại, 1 tỷ cho việc lắp ráp xe máy. Muốn chế tạo nhanh chống đội quân máy nano, chiếc máy nano đầu tiên sẽ giữ nhiệm vụ chế tạo bản sao của chính nó và kế tiếp : 2 thành 4, 4 thành 8, 8 thành 16 chiếc máy v..v… Phỏng theo cách hoạt động thông thường của các phân tử sinh học, các máy nano được thiết kế và được lập trình để sản xuất ra các bản sao của chính bản thân chúng cho tới lúc được tạo nên được vật thể lớn cuối cùng. Như vậy nhân loại đang tiến đến một loại hình sản xuất đại trà (hàng loạt) theo kiểu mới, có khả năng sản xuất ra bất kỳ đối tượng nào có khả năng được mô hình hóa, mà không cần sử dụng tới các máy móc, thiết bị sản xuất, với chi phí hạn chế về giá nguyên liệu và năng lượng sử dụng.
Theo giáo sư Vũ Đình Cự: Công nghệ phân tử sẽ là cốt lõi của kinh tế tri thức trong thiên niên kỷ thứ ba.
Tổng doanh số của công nghệ nano năm 2000 đã đạt tới hàng trăm tỷ đô la.
8. Khoa học kỹ thuật mềm
Khoa học kỹ thuật mềm là một môn khoa học mang tính tổng hợp cao, nó vận dụng lý luận và phương pháp của khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, tiến hành nghiên cứu một cách tổng hợp các hiện tượng kinh tế, xã hội hiện đại và các nhân tố tương quan, nó tận dụng những thành quả mới của khoa học xã hội và khoa học nhân văn, khoa học kỹ thuật mềm khiến con người lợi dụng một cách dễ dàng, trực tiếp. toàn diện và có hiệu quả các loại tri thức tổng hợp khoa học kỹ thuật phát triển nhanh.
Tháng 1/1994, chính phủ Nhật Bản đã đưa ra “kế hoạch cơ bản phát triển nghiên cứu khoa học mềm”. Trong “Báo cáo khoa học thế giới” tháng 2/1994, UNESCO lần đầu tiên sử dụng khái niệm khoa học cứng và khoa học mềm. Não người có bốn chức năng lớn là : Quan sát nhận thức, ghi nhớ, phân tích phán đoán và tưởng tượng sáng tạo. Hiện nay, máy tính đã có hai lớp chức năng đầu, lớp chức năng thứ ba là phân tích phán đoán tức là hệ thống chuyên gia hoặc hệ thống quyết sách đang được khai phá, lớp chức năng thứ tư thì mới bắt đầu nghiên cứu.
Nghiên cứu khoa học kỹ thuật của bốn chức năng lớn nói trên sẽ phục vụ cho quản lý và quyết sách, chính là khoa học kỹ thuật mềm.
Cơ sở của khoa học kỹ thuật mềm là khoa học máy tính bao gồm thu thập, lưu trữ, xử lý và truyền tải thông tin: khoa học xã hội nhân văn bao gồm việc nghiên cứu hành vi và phương pháp luận của con người và khoa học sinh học bao gồm việc nghiên cưu cơ chế sinh lý của não người.
Đ
Thành phố Hồ Chí Minh phát triển kinh tế tri thức gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế
(LLCT) – Thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm kinh tế, văn hóa – giáo dục, khoa học – công nghệ lớn của cả nước. Sự phát triển của Thành phố tạo động lực đối với sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng cũng như cả nước nói chung. Để bảo đảm định hướng phát triển nhanh và bền vững, phát triển kinh tế tri thức được Thành phố đặc biệt quan tâm.
1.Kinh tế tri thức định hướng phát triển kinh tế tri thức gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Việt Nam
Phát triển kinh tế tri thức là xu hướng dựa trên trình độ cao của lực lượng sản xuất hơn hẳn so với kinh tế công nghiệp. Ở đó, tri thức khoa học và công nghệ, kỹ năng của con người là những yếu tố quyết định nhất của sản xuất và trở thành lực lượng sản xuất quan trọng hàng đầu. Tuy vai trò của con người trong lực lượng sản xuất không thay đổi nhưng tính chất hoạt động và yêu cầu đặt ra đối với họ đã có sự thay đổi căn bản so với người lao động trong nền kinh tế nông nghiệp và công nghiệp. Trong nền kinh tế công nghiệp, cường độ lao động của con người đã được giảm nhẹ đáng kể nhờ sự trợ giúp của máy móc, thiết bị và để sử dụng chúng có hiệu quả, người lao động phải có sự hiểu biết về tính năng, tác dụng của máy móc đó và về quá trình sản xuất nói chung. Nhưng trong nền kinh tế tri thức, đội ngũ lao động trí óc, vừa nghiên cứu vừa sản xuất, sản phẩm của họ là những phát minh được ứng dụng ngay vào quá trình sản xuất. Tri thức khoa học và công nghệ là yêu cầu hàng đầu đối với người lao động.
Tri thức, đặc biệt là công nghệ thông tin, kinh tế mạng là những yếu tố quan trọng để liên kết các doanh nghiệp và các quốc gia với nhau, sẵn sàng hợp tác cùng có lợi. Những doanh nghiệp, quốc gia nào có lợi thế về tri thức khoa học, công nghệ trong việc tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ sẽ càng có nhiều cơ hội thành công hơn. Chính vì vậy, đẩy mạnh CNH, HĐH gắn với phát triển kinh tế tri thức là cách duy nhất đưa đất nước thoát khỏi tình trạng lạc hậu, tạo cơ sở vật chất – kỹ thuật trong quá trình xây dựng CNXH, hội nhập ngày càng sâu vào các quan hệ kinh tế toàn cầu, khu vực và song phương.
Tại Đại hội IX (2001), lần đầu tiên, Đảng đã nêu rõ quan điểm mới về phát triển KTTT: ”Đi nhanh vào công nghệ hiện đại ở những ngành và lĩnh vực then chốt để tạo bước nhảy vọt về công nghệ và kinh tế, tạo tốc độ tăng trưởng vượt trội ở những sản phẩm và dịch vụ chủ lực. Công nghiệp hóa gắn với hiện đại hóa ngay từ đầu và trong suốt các giai đoạn phát triển. Nâng cao hàm lượng tri thức trong các nhân tố phát triển kinh tế- xã hội, từng bước phát triển kinh tế tri thức ở nước ta”(1).
Tới Đại hội X (2006), việc phát triển KTTT được thể hiện rõ với tư cách là một yếu tố cấu thành đường lối CNH, HĐH đất nước: ”Tranh thủ cơ hội thuận lợi do bối cảnh quốc tế tạo ra và tiềm năng, lợi thế của nước ta để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa gắn với phát triển kinh tế tri thức, coi kinh tế tri thức là yếu tố quan trọng của nền kinh tế và công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phát triển mạnh các ngành và sản phẩm kinh tế có giá trị gia tăng cao dựa nhiều vào tri thức; kết hợp việc sử dụng vốn tri thức của con người Việt Nam với tri thức mới nhất của nhân loại”(2).
Tại Đại hội XI (2011), với định hướng chiến lược cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng, sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững, Đảng ta tiếp tục khẳng định: ”phát triển mạnh khoa học, công nghệ làm động lực đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển kinh tế tri thức, góp phần tăng nhanh năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước”(3).
Từ một nền kinh tế nông nghiệp đi lên CNXH, trong bối cảnh toàn cầu hóa, Việt Nam phải tiến thành đồng thời hai quá trình: Chuyển từ nền kinh tế nông nghiệp lên kinh tế công nghiệp (CNH, HĐH); chuyển từ kinh tế nông-công nghiệp lên KTTT. Trong khi ở các nước đi trước, đó là hai quá trình kế tiếp nhau, thì ở nước ta, tận dụng cơ hội là nước đi sau, hai quá trình này được lồng ghép với nhau, kết hợp các bước đi tuần tự với các bước phát triển nhảy vọt, tức là gắn CNH, HĐH với phát triển KTTT.
Nội dung trung tâm của phát triển KTTT là đi thẳng vào công nghệ cao, công nghệ mới nhằm nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh các ngành công nghiệp dịch vụ có hàm lượng tri thức, giá trị gia tăng cao. Trong ”Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020”(4), đã đề ra một số mục tiêu khối lượng như: tăng trưởng GDP bình quân 7-8%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá thực tế đạt khoảng 3.000 USD… Chỉ tiêu về chất lượng: tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ chiếm khoảng 85% GDP; giá trị sản phẩm công nghệ cao đạt 45% GDP; yếu tố năng suất tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng đạt 35%; giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP 2,5-3%/năm; giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp xuống còn 30-35%…Có thể nói, đây là những nấc thang trên lộ trình CNH, HĐH, phát triển KTTT.
2. Phát triển kinh tế tri thức gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại Thành phố Hồ Chí Minh
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức
Chuyển dịch cơ cấu kinh tếlà quá trình thay đổi cấu trúc của các yếu tố cấu thành cơ cấu đó theo một chủ đích và phương hướng nhất định. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế là yêu cầu khách quan, phụ thuộc vào trình độ phát triển của khoa học và công nghệ mà nền kinh tế đó đã đạt được trong mỗi thời kỳ lịch sử. Một nền kinh tế có hiệu quả là nền kinh tế sử dụng tối ưu các nguồn lực hiện có. Trong điều kiện toàn cầu hóa kinh tế, tính hiệu quả của một nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào sự lựa chọn việc phát huy các nguồn lực trong nước và vào năng lực thu hút, tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài (từ nước ngoài và từ các tổ chức kinh tế quốc tế).
Vì vậy, lãnh đạo quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tếcần xác định định hướng của việc chuyển dịch, trong đó xác định rõ đặc trưng phát triển và vị trí của mỗi ngành trong tổng thể kinh tế, trên cơ sở đó xác định các chính sách phát triển. Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế phải dựa trên sự đánh giá chính xác những lợi thế của đất nước, xuất phát từ nhu cầu của thị trường với những dự báo triển vọng cạnh tranh của sản phẩm, của ngành kinh tế trên thị trường trong nước và quốc tế. Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế phải bảo đảm khả năng thích nghi nhanh với sự biến đổi của môi trường trong nước và quốc tế, trước hết và chủ yếu là tiến bộ khoa học và công nghệ, chi phí cho điều chỉnh cơ cấu kinh tế thấp.
Theo hướng này, hiện nay và trong nhiều năm tới, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng phải dựa vào tiềm năng tài nguyên trí tuệ, đầu tư mạnh vào việc nuôi dưỡng và phát triển nguồn tài nguyên trí tuệ nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển dịch từ cơ cấu ngành kinh tế truyền thống lên kinh tế công nghiệp và kinh tế tri thức. Cần nắm bắt kịp thời cơ hội, phát huy năng lực trí tuệ nội sinh, đổi mới cách nghĩ, cách làm, mở rộng một cách có hiệu quả việc áp dụng công nghệ mới hiện đại vào phát triển các ngành truyền thống, đẩy mạnh phát triển các ngành kỹ thuật cao, đẩy mạnh việc sáng tạo các thành tựu khoa học và công nghệ mới. Theo đó, mục tiêu xây dựng cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, hiệu quả đến năm 2020 như sau:
Ngành công nghiệp, tập trung nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của các sản phẩm; phát triển các sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, có khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, ưu tiên phát triển những sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao, áp dụng công nghệ mới, công nghệ sạch, sử dụng tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp theo hướng tăng nhanh công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, góp phần hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại. Các ngành công nghiệp nền tảng được ưu tiên để đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế.
Phát triển mạnh công nghiệp chế biến, cơ khí, công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp sinh học và công nghiệp môi trường.
Tập trung lấp đầy các khu công nghiệp gắn với việc đầu tư bổ sung các công trình, dịch vụ hạ tầng xã hội (nhà ở, trường học, y tế, chợ,…) và thực hiện tốt bảo vệ môi trường.
Ngành nông nghiệp, hướng vào phát triển nền nông nghiệp nhiệt đới có năng lực cạnh tranh cao và thương hiệu tốt. Phát triển nông nghiệp toàn diện, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm; phát huy lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên và sinh thái của mỗi vùng, mỗi địa phương. Tập trung đầu tư khâu nghiên cứu và phát triển giống cây trồng, vật nuôi, nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học. Đổi mới đào tạo nhân lực, đưa tri thức sản xuất, kinh doanh, tri thức khoa học công nghệ đến với người nông dân; sử dụng công nghệ sinh học làm gia tăng giá trị các mặt hàng nông-lâm-thủy sản.
Ngành dịch vụ đẩy mạnh phát triển, nhất là các dịch vụ có giá trị, hàm lượng tri thức cao, tiềm năng lớn, có lợi thế và có sức cạnh tranh, như du lịch, hàng hải, hàng không, viễn thông, công nghệ thông tin, y tế; hình thành một số trung tâm dịch vụ, du lịch có tầm cỡ khu vực và quốc tế. Phát triển các dịch vụ có giá trị gia tăng cao, như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistics, dịch vụ phát triển phần mềm công nghệ thông tin và các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh khác. Đẩy mạnh tham gia mạng phân phối toàn cầu, phát triển nhanh hệ thống phân phối các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh ở cả trong và ngoài nước; xây dựng thương hiệu hàng hóa và dịch vụ Việt Nam.
Như vậy, để đạt được mục tiêu cơ cấu kinh tế theo hướng HĐH, CNH, vấn đề phát triển kinh tế tri thức tại Thành phố Hồ Chí Minh cần được nhìn nhận một cách toàn diện.
Những thuận lợi, khó khăn trongphát triển kinh tế tri thức tại Thành phố Hồ Chí Minh
TP. Hồ Chí Minh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt 5.428 USD/người(5), so với mức 2.215 USD/người của cả nước (46,600 triệu đồng/năm)(6). Thành phố còn là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư và phát triển nhanh nhiều loại hình doanh nghiệp, tạo lực hút đối với các luồng lao động nhập cư từ khắp nơi đổ về, góp phần làm cho nguồn nhân lực của Thành phố khá dồi dào. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực của Thành phố có cơ cấu trẻ, số lao động trong độ tuổi từ 20 – 45 chiếm hơn 65% tổng số lao động. Tổng số lao động đang làm việc 4.234.768 người, chiếm 70,62% tổng số lao động. Trong tổng số lao động đang làm việc, chuyên môn kỹ thuật bậc cao chiếm 15,57%; chuyên môn kỹ thuật bậc trung chiếm 5,61%; các nghề giản đơn và thợ chiếm 41,24% và các loại công việc khác chiếm 35,81%(7). Hàng năm, Thành phố có khoảng 70 nghìn sinh viên các trường đại học, cao đẳng tốt nghiệp, kể cả số học viên trung cấp, công nhân kỹ thuật, đào tạo ngắn hạn có khoảng 180 nghìn người. Số lao động đã qua đào tạo tăng từ 40% năm 2005 lên 72,39% năm 2015. Hệ thống các viện nghiên cứu, trường đại học về cơ bản đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho Thành phố.
Đến nay, TP Hồ Chí Minh đã có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng của các KCX, KCN. Hiện Thành phố có 3 KCX và 16 KCN được thành lập với tổng diện tích 4.532ha; trong đó 17 KCX, KCN đã hoạt động thu hút 1.371 dự án đầu tư với số vốn gần 10 tỷ USD, tạo ra việc làm cho gần 290 nghìn lao động(8). Định hướng đến năm 2020, công nghiệp công nghệ thông tin trở thành ngành kinh tế chủ lực, chiếm 10% tổng GDP toàn thành phố(9).
Bên cạnh đó, TP.Hồ Chí Minh có hệ thống cơ sở hạ tầng khá hiện đại, đồng bộ, như hệ thống giao thông, cảng biển, sân bay, hệ thống thông tin truyền thông, có hệ thống ngân hàng trong nước và quốc tế hiện đại…
Phát triển kinh tế tri thức ở thành phố Hồ Chí Minh hiện nay tập trung vào việc chuyển dịch cơ cấu một cách hợp lý, phát triển những ngành có giá trị gia tăng cao, các ngành công nghiệp mũi nhọn và chuyển dịch cơ cấu lao động tương ứng với chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm nâng cao năng suất lao động, tăng trưởng GDP và bảo đảm quá trình phát triển bền vững. Sự phát triển kinh tế tri thức của Thành phố đã bước đầu định hình trên một số lĩnh vực chủ yếu như: công nghệ thông tin và truyền thông; công nghệ sinh học; công nghệ vật liệu mới; công nghệ năng lượng.
Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, vẫn còn không ít những khó khăn, thách thức đối với phát triển KTTT, đó là: nền kinh tế thị trường và thể chế kinh tế thị trường tại TP.Hồ Chí Minh nói riêng và ở nước ta nói chung còn nhiều yếu kém, bất cập.
Hệ thống thể chế kinh tế thị trường chưa đầy đủ, chưa đồng bộ, mâu thuẫn, chồng chéo, không minh bạch, và nhất là năng lực thực thi pháp luật còn yếu. Cải cách hành chính diễn ra chậm chạp, khiến cho năng lực hỗ trợ của nền hành chính cho phát triển kinh tế bị hạn chế, thậm chí trong nhiều trường hợp các thủ tục hành chính lạc hậu, rườm rà gây cản trở cho phát triển kinh tế.
Các ngành công nghệ cao đang ở trình độ phát triển sơ khai. Số doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu và triển khai (R&D) nhằm tạo ra công nghệ mới là không đáng kể. Đây chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Thành phố hiện chỉ có một số doanh nghiệp nhà nước có cơ sở hoạt động và nghiên cứu phát triển công nghệ, nhưng lượng vốn đầu tư cho R&D của các doanh nghiệp này còn thấp so với nhu cầu đổi mới và phát triển.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong đời sống kinh tế- xã hội còn rất hạn chế. Mạng thông tin đa phương tiện tuy đã và đang được mở rộng khá nhanh, nhưng chưa bao phủ rộng khắp, chưa kết nối được đến hầu hết các tổ chức và các hộ gia đình… Các phương thức kinh doanh mới như thương mại điện tử, thị trường ảo, tổ chức ảo, doanh nghiệp ảo, làm việc từ xa… còn ở trình độ thấp.
Công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao còn nhiều hạn chế, yếu kém. Thị trường lao động của Việt Nam nói chung và TP.Hồ Chí Minh nói riêng đang rất thiếu các chuyên gia về quản trị kinh doanh, các lập trình viên, kỹ thuật viên, đội ngũ công nhân có tay nghề cao…
Do vậy, TP.Hồ Chí Minh cần sớm xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể cho việc phát triển kinh tế tri thức dựa trên bốn trụ cột của kinh tế tri thức: giáo dục, phát minh, sáng chế; cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông; hệ thống thể chế chính sách kinh tế; các trụ cột công nghệ, phát triển nguồn nhân lực và bảo đảm một thể chế, chính sách thực thi có hiệu quả. Bên cạnh đó, tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và kinh tế tri thức; phát triển công nghiệp và xây dựng theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường, tạo động lực để phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững hơn.
__________________
(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2001.
(2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2006.
(3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011.
(4) Tạp chí Cộng sản, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020, URL: http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Quan-triet-thuc-hien-nghi-quyet-dai-hoi-dang-XI/Noi-dung-co-ban-van-kien/2011/2136/Muc-tieu-va-cac-dot-pha-cua-Chien-luoc-phat-trien-kinh.aspx
(5) Cục Thống kê Tp. HCM, Tình hình kinh tế xã hội tháng 12 và năm 2016, URL: file:///C:/Users/HTQT/Downloads/BCTH%20-%20NAM%202016.pdf
(6) Tổng cục Thống kê, Số liệu thống kê, URL: http://www.gso.gov.vn/SLTK/Table.aspx?rxid=7933072e-4191-488e-a0d3-8a6edea04dbd&px_db=11.+Y+t%E1%BA%BF%2c+v%C4%83n+h%C3%B3a+v%C3%A0+%C4%91%E1%BB%9Di+s%E1%BB%91ng&px_type=PX&px_language=vi&px_tableid=11.+Y+t%E1%BA%BF%2c+v%C4%83n+h%C3%B3a+v%C3%A0+%C4%91%E1%BB%9Di+s%E1%BB%91ng%5cV11.01.px&layout=tableViewLayout1
(7) Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.Hồ Chí Minh, Phân tích thịtrường lao động năm 2016– Dựbáo nhu cầu nhân lực năm 2017tại Tp. HCM, URL: http://www.dubaonhanluchcmc.gov.vn/tin-tuc/6320.thi-truong-lao-dong-nam-2016-du-bao-nhu-cau-nhan-luc-nam-2017-tai-thanh-pho-ho-chi-minh.html
(8) Báo Mới, TP Hồ Chí Minh: Các Khu chế xuất, Khu công nghiệp thu hút được nguồn vốn đầu tư lớn, URL: https://www.baomoi.com/tp-ho-chi-minh-cac-khu-che-xuat-khu-cong-nghiep-thu-hut-duoc-nguon-von-dau-tu-lon/c/23413743.epi
(9) Thời báo kinh tế Sài Gòn online, Khoa học, công nghệ là động lực phát triển TPHCM,
URL: http://www.thesaigontimes.vn/165789/Khoa-hoc-cong-nghe-la-dong-luc-phat-trien-TPHCM.html
ThS Phan Thị Trà Mi
Học viện Chính trị khu vực II
Xây dựng nền kinh tế tri thức
![]() |
GS đại học Harvard chia sẻ kĩ năng trong nền kinh tế tri thức |
![]() |
Ước tính năm 2018, Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký cho 25.742 DN với số vốn 280,1 nghìn tỷ đồng, nâng tổng số DN trên địa bàn lên 255.280 DN. Ảnh: Thanh Hải. |
FDI tăng cao nhất trong 30 năm
Năm 2018 TP Hà Nội đề ra 20 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội. Đáng mừng là tất cả 20 chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch. Đặc biệt, môi trường đầu tư, kinh doanh ở Hà Nội đã được cải thiện rõ nét. Năm 2018, đầu tư nước ngoài ước đạt 6,5 tỷ USD, lần đầu tiên đứng đầu cả nước. Kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 14,233 tỷ USD, tăng 21,6% (kế hoạch là 7,5-8%).
Dù đạt được nhiều thành tích song theo nhìn nhận của một số chuyên gia kinh tế, Thủ đô vẫn còn rất nhiều việc phải làm nếu muốn phát triển tương xứng với tiềm năng.
Theo ông Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đầu tư của Hà Nội những năm qua tập trung quá nhiều vào vùng lõi trung tâm, nên tốn kém mà hiệu quả đem lại không cao. Chẳng hạn, hiện tổng mức đầu tư cho nông thôn giai đoạn 2008-2018 khoảng 18.000 tỷ đồng và gần 3/4 nguồn vốn này được hỗ trợ riêng 14 huyện, thị của Hà Tây và Mê Linh. Vậy nhưng, khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, chênh lệch trình độ văn hóa của những công dân Thủ đô vẫn còn lớn. Thu nhập đầu người tính chung là 86 triệu đồng năm 2017, nhưng tính riêng khu vực nông thôn chỉ là 38 triệu đồng.
Theo ý kiến một số chuyên gia khác, trong phát triển kinh tế, công tác quy hoạch, xây dựng cần được đầu tư khoa học, bài bản, song hiện công tác này là “điểm nghẽn” lớn khi nhiều dự án của Hà Nội vẫn còn nằm… trên giấy. Ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch, Kiến trúc Hà Nội cho rằng, TP đã được quy hoạch tới năm 2030 tầm nhìn 2050, nhưng chưa chỉ ra được phân kỳ, tiến trình đầu tư phù hợp và lộ trình thực hiện để tạo ra sự phát triển đồng bộ, liên kết đô thị. “Thời gian qua, chúng ta phát triển đô thị dựa vào quy hoạch song không đi theo kế hoạch, dẫn tới chuyện phát triển theo quy hoạch nhưng mang tính tự phát, phát triển đô thị không đi kèm hạ tầng, giao thông công cộng”, ông Nghiêm nêu.
Xây dựng nền kinh tế tri thức
Để khắc phục những hạn chế nội tại, theo Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Hà Nội đã đề ra nhiều nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm lớn, trong đó nổi bật là đẩy mạnh phát triển kinh tế, trọng tâm là phát triển kinh tế tri thức, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại kinh tế, triển khai đồng bộ các giải pháp đột phá chiến lược, bảo đảm mục tiêu phát triển nhanh, bền vững; phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại.
TP Hà Nội cũng đang tập trung xây dựng chính quyền đô thị, ứng dụng các thành tựu công nghệ hiện đại từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để hoàn thiện hệ thống quản lý và cơ sở hạ tầng quy hoạch đô thị, từng bước xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành TP thông minh trong tương lai gần.
Bên cạnh đó, Hà Nội đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 3 năm 2018- 2020 đạt trên 7,4%/năm (theo cách tính mới), tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ – công nghiệp – nông nghiệp; dịch vụ chất lượng cao đóng vai trò trọng yếu trong cơ cấu kinh tế; GRDP bình quân/người đến năm 2020 đạt 140 – 145 triệu đồng; năng suất lao động bình quân tăng 6,5%/năm; tốc độ kim ngạch xuất khẩu 13 – 14%/năm…
Về mục tiêu phát triển kinh tế của TP, theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương, Hà Nội cần “quyết liệt” hơn nữa với mục tiêu xây dựng TP trở thành TP xanh, hiện đại, lấy kinh tế tri thức làm mục tiêu để xây dựng đô thị phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao.
Ông Cung cho rằng, Hà Nội nên đầu tư các khu công nghệ cao với ưu tiên về nguồn nhân lực sẽ là điểm mạnh với nền tảng tri thức Hà Nội. Thành phố cần tập trung nhiều trường đại học với nguồn nhân sự chất lượng cao, sẽ thu hút các tập đoàn xây dựng các trung tâm công nghệ cao ở vùng gần để tận dụng lợi thế này.
Năm 2018 tổng thu NSNN trên địa bàn ước thực hiện là 238.793 tỷ đồng, đạt 100,2% dự toán (tăng 12,5% so với cùng kỳ). Bên cạnh đó, Năm 2018, tống sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 7,37% (cao hơn năm 2017 là 0,06%); các ngành đều duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Tăng trưởng cao nhất là ngành dịch vụ, đạt 7,23%. Giá trị sản xuất công nghiệp-xây dựng tăng 8.23%, ngành nông-lâm-thủy sản mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng giá trị gia tăng vẫn duy trì ở mức khá, đạt 3,33%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,03%. |